Đồng vốn chính sách giúp hiện thực hóa ước mơ

06/05/2015
(VBSP News) “Người nghèo chúng tôi có nhiều mơ ước lắm, nhưng để những ước mơ thành sự thật thì cần có nhiều thứ, trong đó có sự trợ giúp rất lớn của đồng vốn ưu đãi”. Đó là tâm sự của ông Vì Văn Thương - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Đôn, xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ (Sơn La).
Từ đồng vốn vay của NHCSXH, nông dân vùng cao huyện Vân Hồ đã chủ động đầu tư giống, vốn để có những mùa màng bội thu

Từ đồng vốn vay của NHCSXH, nông dân vùng cao huyện Vân Hồ đã chủ động đầu tư giống, vốn để có những mùa màng bội thu

Dấu ấn của đồng vốn ưu đãi

Đến với Liên Hòa là xã vùng sâu của huyện Vân Hồ, chúng tôi cảm nhận rõ những dấu ấn của đồng vốn chính sách. Ông Vì Văn Quý - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, đến nay vẫn còn trên 50% số hộ nghèo. Để phát huy nội lực người dân cần có đòn bẩy tốt, đó chính là đồng vốn ưu đãi của Chính phủ hiện do NHCSXH thực hiện. Từ vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV… người dân có thêm động lực cải thiện đời sống, sản xuất cũng như học tập, sáng tạo.

Ông Bàn Văn Tin, dân tộc Dao ở bản Suối Nậu, xã Liên Hòa nhớ lại: “Từ ngày được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đã làm được điều mình muốn, như góp thêm vốn vào mua đôi trâu, bò, nuôi dăm ba con lợn nái hay sửa lại mái nhà dột nát, mua cái máy xay xát… Nhiều trẻ em ở đất này đang theo học cấp 3, cao đẳng, đại học hay trung cấp nghề cũng nhờ vốn vay ngân hàng đấy. Tôi cũng đang xin vay 30 triệu đồng để mua một cặp bê làm giống sinh sản. Tuổi già rồi, có vài con bò dắt đi chăn, chỉ sau 1 - 2 năm là trả được vốn mà mình lại dư ra mấy chục triệu đồng từ con bò gốc”.

“Tính từ đầu năm 2015 đến nay, dư nợ các chương trình tín dụng ở Liên Hòa đã lên tới hơn 1 tỷ đồng nâng tổng dư nợ lên tới hơn 11 tỷ đồng và dự báo sẽ nâng lên trong thời gian tới”, Phó giám đốc NHCSXH huyện Vân Hồ Nguyễn Ngọc Điệp, cho biết.

Lắng nghe “nhu cầu vốn”

“Bởi có những Tổ tiết kiệm và vay vốn và nông dân ý thức cao khi sử dụng vốn, nên từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giải ngân trên toàn huyện đạt tới hơn 30 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra”, Phó giám đốc NHCSXH huyện Vân Hồ Nguyễn Ngọc Điệp, khẳng định.

Đến với Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Đôn, xã Liên Hòa, chúng tôi thấy ông Vì Văn Thương - Tổ trưởng đang loay hoay bên đống sổ sách, ghi ghi, chép chép. Ông Thương bảo: “Tổ có 60 tổ viên với số dư nợ hiện tại hơn 1,68 tỷ đồng nên hàng ngày có gì liên quan đến đồng vốn là phải ghi vào sổ ngay. Những thứ tôi ghi trong sổ không chỉ là những khoản tiền theo dõi hộ vay trả tiền gốc cho ngân hàng, thu lãi, gửi tiết kiệm mà còn ghi cả những diễn biến, những ý nguyện hàng ngày của bà con mà mình thấy, mình nghe được như: Bà Tân đang cần vay thêm 10 triệu đồng bổ sung thêm đàn lợn vốn mới chỉ có hơn 10 con cho bõ công chăn dắt; ông Tiến có con bò mua được từ nguồn vốn vay kênh này nhưng đang bị ốm từ hôm qua; anh Thành là hộ nghèo đang muốn vay vốn để sửa mái nhà bị dột… Ghi chép như vậy thì khi cán bộ NHCSXH đến, mình có cơ sở để phản ánh lại, giúp cán bộ có giải pháp hỗ trợ hoặc giải thích kịp thời, không để người dân trông mong nhiều…”.

Trao đổi chuyện này, Phó giám đốc NHCSXH huyện Vân Hồ Nguyễn Ngọc Điệp, cho biết: Ở bản Đôn cũng như nhiều bản khác trong xã Liên Hòa, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất tích cực, lại có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể nên khi giải ngân ở địa bàn này chúng tôi rất yên tâm. Vốn đưa về được sử đúng mục đích, không nợ quá hạn mà còn phát huy hiệu quả khá tốt, thiết thực giúp dân thoát nghèo.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Bản in Bản in

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác