Bước đệm cho đồng bào vùng cao thoát nghèo

22/04/2015
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH thực hiện, đã có hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả được đầu tư đúng hướng từ đồng vốn chính sách đã mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu

Nhiều mô hình trồng cây ăn quả được đầu tư đúng hướng từ đồng vốn chính sách đã mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu

Sự cố gắng, khắc phục khó khăn của các cá nhân, hộ gia đình trong phát triển kinh tế thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo bước đệm để các địa phương phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xuất thân là con út trong gia đình đông anh em tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông (sinh năm 1975) cũng như bao người dân trong bản đều chịu cảnh thiếu đói những ngày giáp hạt. Cuộc sống khó khăn đã thôi thúc anh tìm cách thoát nghèo. Sau khi lấy vợ năm 1990, anh tách khẩu và vay được 500 nghìn đồng của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NHCSXH) để mua lợn về nuôi. Sau thời gian dài chăn nuôi hiệu quả, cùng với nguồn vốn tích cóp được, anh tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng của ngân hàng để mua đất trồng ngô, cấy lúa và sau đó vay thêm 15 triệu đồng mua trâu, dê, đào ao thả cá… tạo thành trang trại quy mô nhỏ.

Anh Giàng A Sinh tâm sự: “Trước kia, gia đình tôi là hộ nghèo của bản. Ruộng đất ít, mỗi năm chỉ thu hoạch được 16 bao thóc nên không đủ ăn, tháng 1 - 2 đã hết gạo, phải lên rừng tìm rau và củ mài để ăn. Từ ngày NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, tôi cũng được vay nhiều đợt. Sau mỗi lần vay - trả, nguồn lãi từ chăn nuôi gia đình tôi tiếp tục đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi và đến năm 2010 gia đình đã thoát nghèo. Đến nay, gia đình đã có 2 ao cá với tổng diện tích trên 6.000m2; hàng năm bán ra thị trường vài tấn cá và lợn thịt, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Là xã vùng cao nằm bên dãy Hoàng Liên, xã Tả Lèng từng được biết đến là một trong những địa phương có kinh tế khó khăn nhất huyện, bởi địa hình chủ yếu đồi núi dốc. với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều năm nay người dân đã tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó có trên 10 tỷ đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất, đẩy lùi đói nghèo.

Ông Lương Việt Thảo - Chủ tịch UBND xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết: được sự quan tâm của NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện nên nhiều năm nay các các hộ nghèo trong xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhất là từ khi NHCSXH nâng mức cho vay hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng, bà con rất vui mừng và đồng tình ủng hộ, việc sử dụng nguồn vốn để chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả hơn. Từ đó, các hộ nghèo trong xã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ nghèo của xã đã giảm từ trên 80% (năm 2010) đến nay còn 29%. Ngoài vận động bà con, nhất là các hộ nghèo tập trung phát triển chăn nuôi, xã còn vận động nhân dân chú trọng vào trồng các loại cây lợi thế ở địa phương như: thảo quả, sơn tra và thâm canh tăng vụ lúa tẻ dâu để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu “về đích” chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.

Những năm qua, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng các chương trình vay vốn, riêng năm 2014 đã tổ chức tập huấn cho gần 3.200 lượt cán bộ thuộc Ban giảm nghèo xã, Trưởng thôn, cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở. Cùng với đó, cán bộ tín dụng các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể rà soát, xử lý những trường hợp sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, nợ quá hạn…

Ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu, cho biết: Năm 2014, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.100 tỷ đồng và có gần 48 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Với 11 chương trình tín dụng đang thực hiện, chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt trên 500 tỷ đồng, chiếm trên 50%. Nhìn chung những năm gần đây, bà con đã biết phát huy hiệu quả nguồn vốn, khai thác thế mạnh của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Trong năm 2015, chi nhánh phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng dư nợ đạt hơn 1.220 tỷ đồng và sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố công tác giao dịch tại xã, hạn chế những rủi do, kịp thời giải ngân vốn nhanh chóng, không để tồn đọng, lãng phí nguồn vốn. Ngoài ra, đơn vị sẽ tổ chức tập huấn, giám sát chặt chẽ để vận động, động viên nhân dân phát huy hiệu quả nguồn vốn, phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để người dân phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở ở vùng sâu, vùng xa cần quan tâm hơn nữa trong việc định hướng người dân trồng cây gì, nuôi con gì và vận động đồng bào các dân tộc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Theo Báo Lai Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác