Phúc Thọ thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
Với dân số 17.500 người (trên 4.000 hộ), Võng Xuyên là xã có số dân đông nhất của huyện Phúc Thọ; bình quân đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 240m2/người. Năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 11,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo là 7,28%. “Đất chật, người đông, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, buổi đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới chúng tôi rất lúng túng… Nhưng, khó trăm bề dân liệu cũng xong”, Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Ngọc quả quyết. Sau khi đưa ra dân họp bàn, cân nhắc, để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã quyết định tổ chức thực hiện theo các nhóm tiêu chí. Trong đó, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội (điện, đường, trường, trạm) có liên quan đến nhiều vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng nên được thực hiện trước. Nhóm tiêu chí phát triển kinh tế và tổ chức lại sản xuất là nhóm tiêu chí khó thực hiện. Nhưng, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt; toàn dân cùng “Chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với dồn điền, đổi thửa”; cùng với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác…, diện mạo Võng Xuyên đã đổi thay nhanh chóng. Hai bên trục đường chính vào xã, những thửa ruộng trồng rau màu xanh mướt nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng được nâng cấp, kiên cố hóa. Hệ thống đường giao thông trong xã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ nối liền các xóm. Nhà cửa khang trang, cùng với hệ thống trường học, trạm y tế được nâng cấp, xây dựng sạch đẹp. Kết thúc năm 2014, thu nhập bình quân của xã đạt trên 24 triệu đồng/người, hộ nghèo chỉ còn 3,5%. Xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài Võng Xuyên, Phúc Thọ còn 3 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới, đó là Phụng Thượng, Thọ Lộc, Ngọc Tảo. 9 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Qua gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, kinh tế huyện Phúc Thọ đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đạt trên 23 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 225 triệu đồng/ha đất canh tác. Sau khi cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, công tác quy hoạch ruộng đất, cùng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT đã có bước tiến bộ mới; huyện hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh lớn, hiệu quả cao, như vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Hát Môn; vùng bưởi Diễn tại xã Hiệp Thuận; vùng chuyên canh chuối tiêu hồng xã Đại Nam… Toàn huyện còn khoảng 2.500 hộ nghèo, chiếm 6,2% dân số.
Đồng hành cùng người thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, năm 2014, NHCSXH huyện Phúc Thọ đã đầu tư cho vay các đối tượng với tổng dư nợ trên 236 tỷ đồng, với 8 chương trình cho vay. Trong đó, dư nợ lớn nhất cho vay HSSV trên 62 tỷ đồng, tiếp đến là chương trình cho vay NS&VSMTNT trên 54 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 42 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 39 tỷ đồng, hộ nghèo gần 35 tỷ đồng… Theo đánh giá của Bí thư huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, giúp người nghèo, các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Năm 2009, chị Hoàng Thị Liên ở xã Mỹ Lộc được vay 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Chị đã “bỏ phố ra đồng” đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt và lợn đẻ, giúp gia đình từng bước cải thiện thu nhập, nhưng chỉ mới dừng lại ở mức cải thiện đời sống. Năm 2013, chị Liên quyết định đấu thầu hơn 3.000m2 ruộng, phát triển mô hình kinh tế VAC. Trả hết nợ cũ, chị vay tiếp 20 triệu đồng hộ cận nghèo để đào ao, trồng nhãn, chăn nuôi lợn, gà, vịt theo hướng sản xuất hàng hóa. “Năm đầu lãi chưa nhiều nhưng hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”, chị Liên tin tưởng.
Không chỉ “tiếp sức” cho các hộ có nhu cầu vay vốn, tại xã Phụng Thượng - một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn vốn chính sách đã “tiếp sức” cho nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2009, doanh nghiệp dệt may Minh Tâm được NHCSXH huyện Phúc Thọ giải ngân 200 triệu đồng để mở rộng xưởng sản xuất. Năm 2013, doanh nghiệp đã trả hết nợ, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2015 này, huyện Phúc Thọ đang phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với các ngành thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, NHCSXH huyện Phúc Thọ phấn đấu đạt tổng dư nợ khoảng 250 tỷ đồng, góp phần tích cực thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khai giảng khóa đào tạo nâng cao kỹ năng và phương pháp tập huấn
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng triển khai “Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến”
- » Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững ở Ba Vì
- » Có một “ngân hàng dê”
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: QUY HOẠCH, CHÍNH SÁCH PHẢI ĐẶC THÙ ĐẾN TỪNG XÃ (kỳ III)
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Nông dân Cúc Phương với đồng vốn ưu đãi
- » Giúp dân xóa nghèo
- » Vốn giải quyết việc làm, cung thấp hơn cầu