Có một “ngân hàng dê”

14/04/2015
(VBSP News) Qua 10 năm làm công tác đoàn, tham gia các đoàn từ thiện đi vận động tiền, gạo cho các hộ nghèo. Từ thực tế, anh Nguyễn Minh Trung - Bí thư Đoàn xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nhận thấy rằng, cho người nghèo bao nhiêu gạo, tiền thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi, qua đọc báo, nghe đài và học hỏi từ thực tế cuộc sống, anh rất tâm đắc với ý tưởng: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá.
Anh Lê Văn Lá chăm sóc đàn dê

Anh Lê Văn Lá chăm sóc đàn dê

Thạnh Phú Đông là một xã khó khăn. Toàn xã hiện có 232 hộ thanh niên, nhưng có đến 56 hộ do thanh niên làm chủ hộ thuộc diện nghèo. Hầu hết những hộ thanh niên nghèo đều không có hoặc có rất ít ruộng vườn, không có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã từng có dự án hỗ trợ lợn giống cho hộ nghèo, nhưng nuôi lợn chi phí đầu tư cao, lại bị dịch bệnh nên các hộ nuôi không có lời. Đầu năm 2013, thủ lĩnh đoàn xã Nguyễn Minh Trung vận động các mạnh thường quân được khoảng 40 triệu đồng, đầu tư mua 100 con thỏ về nuôi gây giống, cấp cho thanh niên nuôi để thoát nghèo. Thỏ nuôi được hơn 1 tháng, do không hợp thổ nhưỡng nên 100 con lần lượt chết cả.

Làm sao để hỗ trợ thanh niên thoát nghèo? Trăn trở mãi, đến đầu năm 2014 anh nảy ra sáng kiến thành lập một “ngân hàng dê”. Theo anh Trung, dê có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, đầu ra lại tốt, 10 năm qua giá dê thịt tương đối ổn định, với trên dưới 120 nghìn đồng/kg; thức ăn cho dê dễ kiếm, không cần đầu tư chi phí. Khi đã có “ngân hàng dê”, mỗi hộ thanh niên nghèo sẽ được xã đoàn hỗ trợ 1 con dê giống (dê cái), sau khi dê sinh sản ra được một con dê cái thì sẽ trả lại cho xã đoàn để tiếp tục hỗ trợ cho hộ thanh niên nghèo khác nuôi. Còn nếu sinh ra dê đực thì hộ đó tiếp tục để lại nuôi bán thịt và lứa sau sẽ hoàn “vốn”. Ý tưởng của anh Trung đã được huyện đoàn Giồng Trôm, Đảng ủy xã Thạnh Phú Đông ủng hộ nhiệt liệt.

Để có vốn mua dê, anh Trung lại tiếp tục đến gõ cửa các mạnh thường quân trong và ngoài xã. Kết quả, được gần 50 triệu đồng và mua được 18 con dê giống. Đợt hỗ trợ vốn đầu tiên vào tháng 4/2014, 14 hộ thanh niên được cấp dê giống, sau 6 tháng dê sinh sản là thu lãi trọn gói. Anh Trung cho biết thêm: Xuất phát từ nhu cầu thực tế hộ nghèo muốn có nghề, có việc làm để thoát nghèo, nhưng lại thiếu tư liệu sản xuất và vốn đầu tư, huyện đoàn Giồng Trôm đã triển khai đề án 103 “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”, phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên vay vốn, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo là đoàn viên thanh niên.

Anh Lê Văn Lá ở ấp Hưng An A, xã Thạnh Phú Đông phấn khởi: “Tôi rất tâm đắc với mô hình “ngân hàng dê”, đã giúp cho người nghèo chúng tôi một tia hi vọng thoát nghèo”. Năm 2014 anh được “ngân hàng dê” cho mượn 1 con; được NHCSXH huyện Giồng Trôm cho vay vốn mua 1 con, anh tiếp tục vay mượn vốn của bạn bè mua thêm 1 con nữa để phát triển đàn.

Anh Phạm Văn Mây phấn khởi khi có hội thoát nghèo đã ở trong tay

Anh Phạm Văn Mây phấn khởi khi có hội thoát nghèo đã ở trong tay

Hay như anh Phạm Văn Mây, 38 tuổi, ở ấp 2A, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được xã đoàn hỗ trợ 1 con dê giống trong đợt đầu tiên. 6 tháng sau dê sinh được một con dê đực. Vì dê đực nên anh được nuôi bán thịt, Tết ra đã được 4 tháng tuổi và sắp bán được. Anh ước tính, con dê của anh sẽ bán được khoảng 5 - 6 triệu đồng. Vợ chồng tính toán: toàn bộ số tiền bán dê sẽ đầu tư mua dê giống về nuôi. Hiện tại, con dê giống của anh cũng đã có chửa đợt 2, hy vọng lần này nó sẽ sinh 2 con dê cái. Nuôi cho cứng cáp rồi trả lại ngân hàng 1 con dê con thì gia đình vẫn còn lời 3 con. Giống dê của “ngân hàng dê” cho là giống tốt, khả năng sinh sản 2 năm 3 lứa, nên chỉ sau vài năm là gia đình sẽ có cả đàn dê để thoát nghèo.

Sau khi thành lập mô hình này, Bí thư đoàn xã Nguyễn Minh Trung là “Giám đốc ngân hàng dê”, cũng là người trực tiếp quản lý nguồn dê con giống cho bà con nuôi, quản lý nguồn vốn vay NHCSXH, hướng dẫn các hộ sử dụng vốn đúng mục đích. Khi các hộ đã ăn nên, làm ra anh sẽ đề xuất với ngân hàng tăng thêm vốn vay để mở rộng đầu tư.

Nhiều người tính toán, với điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay, thì hết năm 2015 “ngân hàng dê” sẽ có nguồn dê giống khoảng 40 con. Ngân hàng càng có nhiều dê giống thì càng giúp được nhiều hộ nghèo. Trong vài năm tới đàn dê ở Thạnh Phú Đông sẽ có hàng trăm con, nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ cung ứng thịt dê cho khu vực. “Đây là mô hình rất sáng tạo của thanh niên Thạnh Phú Đông, đang được các đoàn thể khác học tập và nhân rộng. Người nghèo, ngoài được hỗ trợ dê giống còn được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để không chỉ thoát nghèo mà vươn lên khá giả”, ông Phạm Tấn Lễ - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm đánh giá.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác