Nông dân Cúc Phương với đồng vốn ưu đãi

07/04/2015
(VBSP News) Cúc Phương là xã vùng ven của Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình) có 4 dân tộc Tày, Thái, Mường và Kinh sinh sống. Xã có diện tích đất đồi rừng và vườn cây ăn quả khá lớn, bà con đã chủ động khai thác điều kiện thuận lợi về đất đai, chủ động đề xuất với NHCSXH vay vốn làm kinh tế trang trại VACR, phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung, nuôi dê, nhím vừa tạo việc làm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Cúc Phương làm giàu từ nuôi hươu

Nông dân Cúc Phương làm giàu từ nuôi hươu

Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Thúc Chiến, từ năm 1986 - 1990 do quy hoạch Vườn Quốc gia Cúc Phương, xã đã phải vận động chuyển 6 xóm từ vùng lõi rừng ra tái định cư trên vùng đệm, khó khăn muôn vàn. Diện tích đất nông nghiệp đã ít, nơi đây lại không có ao, hồ, phần lớn núi và đất đá lộ đầu, sản xuất quanh năm trông chờ vào “nước trời”. Cuộc sống của 12 nghìn dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng được mùa hay mất mùa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Thiếu lương thực, cho dù người dân làm quần quật trên đồng từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Đói quá, nhiều hộ đã định quay lại rừng nhưng không thể, vì rừng đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên, thành vườn quốc gia lớn của cả nước.

Giữa lúc bài toán giảm nghèo chưa tìm ra lời giải, thì những chính sách hỗ trợ phát triển ưu đãi thiết thực cho đồng bào miền núi đã mở ra cơ hội mới cho người dân Cúc Phương. Được sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và huyện, Đảng ủy, UBND xã đã tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển mạnh sang chăn nuôi theo hướng “nuôi con ăn cỏ, uống nước lã”, khai thác lợi thế vùng rừng núi. Một trong những hộ đầu tiên ở Cúc Phương từ nguồn vốn chính sách, đã nuôi thành công hươu, lợn rừng lai, gà rừng và trở thành giàu có từ những con đặc sản này là ông Hoàng Xuân Thủy, dân tộc Mường ở thôn Bãi Cá.

Cũng như hầu hết bà con ở quanh làng, bản, gia đình ông Thủy trước đây rất khó khăn. Được Hội Nông dân giúp đỡ, từ năm 2005 đến năm 2011 ông đã 3 lần vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Lần đầu ông vay 15 triệu đồng, theo tiêu chuẩn hộ nghèo; khi đã thoát nghèo trả hết tiền vay và lãi, ông lại được ngân hàng tiếp sức, cho vay tới 200 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Ông Thủy kể, từ nguồn vốn vay được tôi đã xây dựng trang trại khép kín với những quy trình sản xuất chặt chẽ có cán bộ thú y chuyên nghiệp. Với diện tích 80m2 và gần 1.000m2 khu bán hoang dã, tôi nuôi 26 con hươu sinh sản. Một năm hươu đẻ 1 lứa, 1 con. Nuôi 4 - 5 tháng, đạt trọng lượng 50 - 60kg là bán được 12 - 14 triệu đồng/con. Ngoài ra, tôi còn sử dụng đồng vốn vào việc nuôi nhím, lợn rừng. Thời điểm nhiều nhất trong chuồng có 50 con nhím, trung bình một đôi nhím có giá 20 - 25 triệu đồng. Nuôi nhím đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn nhanh. Trại lợn rừng cũng khá hiệu quả, mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa 25 - 30 con, thu khoảng trên 100 triệu đồng/năm. Thêm nữa, 60 con gà rừng với giá gà giống 600 - 700 nghìn đồng/cặp, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Cùng thôn với ông Thủy, ông Đinh Văn Tiếu cũng là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã Cúc Phương. Nhận thấy vườn rộng, có nhiều loại cây nguồn thức ăn cho hươu rất dồi dào. Thông qua Hội Nông dân, ông được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng, mua 2 cặp hươu 3 tháng tuổi về nuôi thí điểm. Đàn hươu cho 2 lứa nhung/năm, đạt từ 8 -10 lạng. Giá trung bình 1,5 - 1,6 triệu đồng/lạng. Nuôi hươu có hiệu quả, ông quyết định đầu tư nuôi thêm đến nay gia đình có 5 cặp hươu sinh sản và 20 con hươu lấy nhung, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Chủ tịch xã Đinh Thúc Chiến nhận xét nguồn vốn vay ưu đãi được NHCSXH triển khai không chỉ giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu mà còn thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh của nông dân phát triển. Tính đến nay, toàn xã có 126 hộ lập gia trại, phát triển mô hình kinh tế VACR. Nhiều gia trại thu lợi nhuận cao, như gia đình ông Đinh Văn Châu ở xóm 2, mỗi năm thu nhập trên 700 triệu đồng. Anh Bùi Văn Tuyên, dân tộc Mường ở thôn Nga 2, nuôi hươu từ năm 1992, hiện có 12 con, mỗi năm thu nhập 60 - 80 triệu đồng… Cùng với các loại con đặc sản khác (lợn rừng, nhím, dê), đàn hươu của xã tăng mạnh lên tới hơn 500 con, mang lại giá trị kinh tế cao, trên 10 tỷ đồng/năm, từ nguồn nhung và hươu giống. Nhung hươu Cúc Phương giờ đây được khách hàng ở các thành phố lớn đánh giá có chất lượng vượt trội, bởi thức ăn 100% lá rừng và uống nước lã. Hàng năm cứ đến tháng 2, tháng 3 âm lịch là mùa “cắt lộc”, khách hàng lại tấp nập về Cúc Phương. Hươu đang trở thành vật nuôi “mũi nhọn” trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở xã miền núi Cúc Phương.

Bài và ảnh Vọng Phố

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác