Vốn giải quyết việc làm, cung thấp hơn cầu

07/04/2015
(VBSP News) Từ khi triển khai chương trình cho vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm qua NHCSXH, đến thời điểm này tổng dư nợ toàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 57 tỷ đồng với hơn 1.800 dự án còn dư nợ. Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Song con số đó so với nhu cầu thực tế còn quá khiêm tốn, vì vậy việc tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang là nhu cầu cấp thiết.
Gia đình anh Đàm Văn Dũng vay vốn làm kinh tế tổng hợp VAC

Gia đình anh Đàm Văn Dũng vay vốn làm kinh tế tổng hợp VAC

Là một trong những đơn vị cho vay hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm, NHCSXH huyện Quế Võ thời gian qua tận dụng tối đa nguồn vốn giải ngân kịp thời đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Từ sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều mô hình từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp VAC của gia đình anh Đàm Văn Dũng ở thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hoà mới thấy hiệu quả nguồn vốn vay. Năm 2014, gia đình anh Dũng được vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Quế Võ để phát triển kinh tế hộ. Anh Dũng tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng, gia đình tôi đầu tư mua con giống, máy móc thiết bị phục vụ chăn nuôi. Trên diện tích gần 1ha, gia đình quy hoạch làm 3 ao nuôi cá (trong đó có 1 ao chuyên nuôi cá trắm đen), trong chuồng thường xuyên nuôi 30 con lợn thương phẩm. Tận dụng quỹ đất trống, anh còn trồng xen canh các loại cây ăn quả như: bưởi, xoài, ổi, chuối… Tổng thu nhập từ mô hình VAC đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm và GQVL thường xuyên cho 5 lao động. Song, số vốn 100 triệu đồng với mô hình chăn nuôi của gia đình là quá ít. Bởi riêng tiền giống cá trắm đen trung bình 35.000 đồng/con, quy mô 1.000 con đã mất 35 triệu đồng. Tôi mong Nhà nước có cơ chế cho mỗi mô hình chăn nuôi quy mô từ 1ha trở lên được vay số vốn ít nhất 300 triệu đồng để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”.

Còn gia đình anh Trịnh Đắc Ngọc ở thôn Phù Lãng, xã Phù Lương cũng được vay 80 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Quế Võ để đầu tư chăn nuôi cá, lợn. Mỗi năm gia đình anh nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 70 con và gần 2ha mặt nước thả cá, 3 ao cá giống. Riêng về cá, bình quân mỗi năm xuất bán 25 - 30 tấn. Anh Ngọc cho biết: “Cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của NHCSXH mà gia đình đầu tư chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng vốn đầu tư còn ít so với nhu cầu thực tế”.

Hiệu quả từ chương trình cho vay giải quyết việc làm thực tế được chứng minh, đồng thời được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn giải quyết việc làm. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Quế Võ Nguyễn Xuân Thuân thì dư nợ cho vay giải quyết việc làm hiện nay là hơn 5,6 tỷ đồng cho hơn 200 dự án. Mức cho vay cao nhất 100 triệu đồng, thấp nhất 20 triệu đồng. Để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi này, bên cạnh cái khó về sự hạn hẹp nguồn vốn của chương trình các cơ sở sản xuất còn vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cá nhân.

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh Vũ Đình Yên cho biết: “Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm rộng nhưng nguồn vốn có hạn, chính yếu tố này tạo khó khăn trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi, người dân phải tự chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó nguồn vốn này giữ vai trò hết sức quan trọng. Chúng tôi kiến nghị với cấp trên nâng mức vay tối đa cho 1 lao động đạt từ 25 triệu đồng trở lên. Dù vậy, về lâu dài tăng nguồn vốn tạo việc làm góp phần giúp nông hộ làm giàu vẫn là cấp thiết”.

Quyết định 71/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và 20 triệu đồng/hộ. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, số cơ sở được vay 500 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp. Phổ biến là mức vay vài chục triệu đồng, đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Cùng với hướng tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế hộ, mong muốn của những người làm công tác cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là tỉnh Bắc Ninh sớm thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách cụ thể, đặc biệt về tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn. Với người đi vay, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi, hạn chế những rào cản về thủ tục, mức vay vốn được tăng lên… sẽ góp phần phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Bài và ảnh Hà Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác