Tạo thuận lợi nhất cho vùng dân tộc miền núi

07/04/2015
(VBSP News) Là huyện miền núi thấp, cửa ngõ phía Tây của tỉnh Bắc Kạn nhưng huyện Chợ Mới có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chiếm trên 20%. Trong điều kiện đó, NHCSXH nơi đây đã có nhiều cách làm phù hợp giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thuận tiện để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nông dân Chợ Mới vay vốn ưu đãi chủ yếu đầu tư vào việc nuôi trâu sinh sản

Nông dân Chợ Mới vay vốn ưu đãi chủ yếu đầu tư vào việc nuôi trâu sinh sản

Trước tiên cần kể đến việc NHCSXH huyện Chợ Mới luôn quan tâm ưu tiên vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cử cán bộ xuống tận địa bàn bám bản, bám dân để xác minh, hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác hoàn thiện thủ tục vay vốn. Đến nay, toàn huyện có 16 Điểm giao dịch xã với 221 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Nhờ vậy đồng vốn đã thật sự đến đúng địa chỉ. Mặt khác, thông qua các cấp hội, đoàn thể, đồng vốn chính sách cũng được lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm… nên vừa phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vừa nâng cao hiểu biết, trình độ tiếp thu, áp dụng KHKT vào sản xuất và xây dựng phát triển nhiều mô hình kinh tế phù hợp.

Ngay trong quý I/2015, tỷ lệ giao dịch tại xã của NHCSXH đạt 100%, có trên 6.000 lượt hộ được vay vốn, nâng tổng dư nợ sau 13 năm hoạt động là hơn 170 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã tạo sức mạnh cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả.

Theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng, chúng tôi đến thăm gia đình chị Dương Thị Liễu ở thôn Cốc Po, xã Thanh Bình. Trước đây kinh tế nhà chị Liễu gặp nhiều khó khăn. Do sống trong vùng di dân tái định cư của huyện Chợ Mới nên thu nhập chính của gia đình chị trông vào 2 sào lúa năng suất bấp bênh, trâu bò không có, 3 con nhỏ lại đang tuổi ăn học. Năm 2012, được NHCSXH tạo điều kiện vay 30 triệu đồng, cộng thêm số tiền vay mượn từ bạn bè, họ hàng, chị Liễu làm chuồng trại và mua trâu về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đôi trâu khỏe mạnh, sinh sản nghé con, đến nay trâu mẹ đã đẻ được 3 lứa, giúp gia đình thoát nghèo, dự tính cuối năm nay, chị sẽ trả nợ cho ngân hàng và sửa sang nhà để ở.

Chia tay gia đình chị Liễu, chúng tôi đến với gia đình anh Nguyễn Trọng Tiến ở thôn Tài Chung, xã Bình Văn. Cách đây 4 năm, được Đoàn Thanh niên địa phương bảo lãnh, với số tiền 30 triệu đồng vay hộ nghèo, anh đã mạnh dạn mua nguyên liệu làm rào chắn, xây chuồng trại kiên cố và mua lợn rừng lai từ vùng cao Pác Nậm về nuôi. Cứ mỗi lứa lợn đẻ, anh phân loại để lại nuôi vỗ béo mươi con, còn lại chọn ra những chú lợn sữa đem bán làm giống. Hiện trang trại lợn của anh có 58 con lợn rừng lai, 60 con lợn đen, trong đó gần một nửa là lợn nái, với giá trị bình quân 6 - 8 triệu đồng/con. Anh Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi quyết tâm nhân rộng đàn lợn thịt, lợn nái thương phẩm để tăng thu nhập, tạo việc làm cho bà con trong thôn, bản. Tôi mong muốn nhiều hộ nghèo, khó khăn được vay vốn chính sách và sử dụng vốn vay vào công việc hữu ích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn hiệu quả hơn, NHCSXH huyện Chợ Mới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể rà soát đối tượng vay vốn, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác