Giúp dân xóa nghèo
Gia đình ông Lê Khả Luyện ở thôn Đồng Nghiêm, xã Mậu Lâm là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay giảm nghèo hiệu quả. Trước đây, gia đình ông Luyện là hộ nghèo. Với ý chí quyết tâm thoát nghèo, năm 2012, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân, gia đình ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Hiện nay, với 1ha trồng mía, 2ha trồng keo, chăn nuôi thêm lợn, gà, ếch, cá, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Luyện thu lãi gần 70 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động.
Hay như gia đình anh Cầm Tổng Đồng ở thôn 7, xã Cán Khê trước đây cũng là hộ nghèo, được vay vốn ưu đãi, anh đã nhận 2ha đồi rừng, trong đó, đầu tư trồng 1,5ha cây keo, diện tích còn lại trồng cây nghệ, chanh, chăn nuôi thêm lợn, gà, mỗi năm trừ chi phí thu lãi tới cả trăm triệu đồng.
Trong những năm qua, có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Như Thanh thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được tiếp cận và phát huy có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giúp cho hội viên nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn vay, hàng năm Hội Nông dân huyện đã phối hợp với NHCSXH tổ chức tất cả các Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay; phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn tới 100% các cơ sở đang dư nợ; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với sự cố gắng của tập thể cán bộ, hội viên nông dân từ huyện đến cơ sở, công tác cho vay, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay của tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn huyện Như Thanh ngày càng hiệu quả. Tổng dư nợ tăng liên tục qua các năm. Đến nay, hội đã phối hợp với NHCSXH thực hiện vốn ủy thác cho 3.860 hộ nông dân vay với tổng dư nợ hơn 90 tỷ đồng. Để giúp hội viên nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, an toàn, nhiều năm qua các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với ngành NN&PTNT, Trung tâm dạy nghề… tổ chức chuyển giao tiến bộ KHKT cho hàng nghìn lượt hộ nông dân các phương pháp kỹ thuật về trồng lúa, ớt, bí xanh… nhằm giúp cho hội viên nông dân lựa chọn, ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Thanh Lê Văn Lâm, cho biết: Nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các gia đình hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương phát triển sản xuất, nuôi con ăn học… từ đó góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng vùng, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân huyện Như Thanh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, duy trì mô hình quản lý và ủy thác cho vay gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh Thùy Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn giải quyết việc làm, cung thấp hơn cầu
- » Tạo thuận lợi nhất cho vùng dân tộc miền núi
- » Vốn vay ưu đãi giúp người dân huyện Yên Châu thoát nghèo
- » Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: GIEO VỐN LÊN BẢN MÂY (kỳ I)
- » Thoát nỗi lo về thu nhập
- » Đồng Tháp cho vay hộ cận nghèo
- » Tổng kết dự án Phát triển ngành lâm nghiệp
- » Tỷ lệ hộ nghèo giảm là nhờ đồng vốn chính sách
- » Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng HSSV ở Hà Nam