Đồng hành cùng người nghèo

08/04/2015
(VBSP News) Trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Gia Lai không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho công tác giảm nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần củng cố lòng tin của người nghèo vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn Tây Nguyên.
Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình ông Đinh Êm ở thôn 1, xã Đông, huyện Kbang đã thoát nghèo

Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình ông Đinh Êm ở thôn 1, xã Đông, huyện Kbang đã thoát nghèo

Chúng tôi về làm việc ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, được cán bộ NHCSXH đưa đến thăm một số hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số và tận mắt thấy hiệu quả từ đồng vốn vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào. Chúng tôi đến thăm nhà anh Rơ Lan Hoa, dân tộc Gia Rai ở làng Bi, xã Ia Grai, huyện Ia Grai, nhìn vườn cao su xanh ngát hơn 1ha ít ai nghĩ rằng trước đây từng là bãi đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Để làm được điều này, anh Hoa đã được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để làm kinh tế. Không chỉ trồng caosu, gia đình anh còn dùng số tiền được vay để trồng càphê. Cũng giống như gia đình anh Hoa, gia đình chị Ksor H’Lak, dân tộc Gia Rai, ở làng Breng 2, xã Ia Dêr, là hội viên phụ nữ, chị được hướng dẫn vay vốn từ ngân hàng để mua 3 con bò, sau đó sinh sản lứa bê, chị bán rồi mua đất để sản xuất. Nhờ chịu khó tích góp và học hỏi cách làm ăn của các hộ người Kinh trong làng, đến nay, gia đình chị đã có trong tay một tài sản không phải nhỏ với 500 gốc cà phê, 200 cây sầu riêng, hơn năm sào lúa nước, thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Chị Ksor H’Lak cho biết: Do tập quán cũ mình chỉ biết làm rẫy, đã vậy gia đình đông con nên gặp khó khăn. Mình biết ơn Nhà nước nhiều, nếu không có số tiền vay và sự hướng dẫn cách làm ăn của cán bộ nông, lâm, cuộc sống gia đình mình không biết đến bao giờ mới hết đói, hết nghèo. Bây giờ kinh tế đã ổn định, các con đều ăn học đến nơi đến chốn, hiện cháu lớn đang làm việc tại Thủy điện Sê San 3A, một cháu là giáo viên, cháu nhỏ đang học đại học ở Quy Nhơn…

Ông Đinh Êm ở thôn 1, xã Đông, huyện Kbang mới chỉ qua một lần vay vốn chính sách mà đã thoát nghèo một cách cơ bản. Năm 2011, gia đình ông vay 20 triệu đồng mua được 2 con bò lai sinh sản và còn lại một ít vốn mua giống mía cao sản, cải tạo đất để trồng 2ha mía. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, 2 con bò cái lai lớn mạnh và sắp đẻ, 2ha mía đã thu hoạch và bán thu lãi được hơn 60 triệu đồng. Ông Đinh Êm chia sẻ: Nhà tôi trước đây có đất sản xuất nhưng không biết cách làm ăn, chỉ đưa vào trồng những loại cây màu một vụ, năm được, năm mất, cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Nay gia đình tôi biết cách làm ăn, tiền vốn vay đợt đầu của ngân hàng mặc dù chưa đến thời hạn trả nợ tôi đã trả đủ cả gốc lẫn lãi. Gia đình tôi muốn được vay thêm từ 30 - 40 triệu đồng nữa để tiếp tục mua thêm đất trồng mía, mua thêm bò lai để tăng thêm thu nhập…

Hiệu quả về việc cho người nghèo vay vốn làm kinh tế thì đã rõ, nhưng quan trọng hơn, nhờ đồng vốn ưu đãi mà Nhà nước ưu tiên dành cho đã giúp những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Qua 12 năm đi vào hoạt động, với 11 chương trình tín dụng khác nhau như cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Đến nay doanh số cho vay đạt 3.969 tỷ đồng; tổng dư nợ tính đến hết năm 2014 đạt 2.792 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 41%. Hiện nay có trên 141 nghìn khách hàng thuộc 3.792 Tổ tiết kiệm và vay vốn được vay vốn, tạo ra hơn 18 nghìn việc làm mới, hỗ trợ người vay sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây trồng, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; giúp cho hơn 68 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 xuống còn 13,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,43 triệu đồng/năm; hỗ trợ hơn 50 nghìn đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, xây dựng mới 10 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, 34 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Nếu mục tiêu của các NHTM là lợi nhuận thì NHCSXH lại đặt hiệu quả xã hội và lợi ích các đối tượng vay vốn là trên hết. Do vậy, mục tiêu của chúng tôi là làm sao vốn vay ưu đãi đến với đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn, người nghèo nhanh nhất, thuận lợi nhất; tập trung xây dựng mạng lưới cộng tác viên và đội ngũ cán bộ trải khắp 209 xã, phường, thị trấn. Nhất là để tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm chi phí đi lại, hàng tháng ngân hàng phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn cho vay, thu nợ, thu lãi và giao dịch tại 222 Điểm giao dịch xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn, nhờ vậy đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn cũng như tham gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên vốn tăng trưởng hàng năm cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn; đồng thời, chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tập trung cho chương trình hỗ trợ người nghèo chưa có nhà ở, nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

Để nguồn vốn chính sách đến được tận tay người nghèo cần vốn, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã, đang và sẽ phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương bình xét đúng đối tượng, bảo đảm tính công khai minh bạch giải ngân nhanh, kịp thời cho người dân giúp họ sớm có điều kiện ổn định nơi cư trú và tránh được những thất thoát và những tiêu cực không đáng có, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Phan Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác