Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: QUY HOẠCH, CHÍNH SÁCH PHẢI ĐẶC THÙ ĐẾN TỪNG XÃ (kỳ III)

08/04/2015
(VBSP News) Trong những năm qua, các chính sách giảm nghèo được ban hành thực sự cũng đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực được phân tích là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn giữa các nhóm thu thập và là những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo.
Tuy có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Y Tý còn nhiều khó khăn cần sự giúp đỡ của Nhà nước

Tuy có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Y Tý còn nhiều khó khăn cần sự giúp đỡ của Nhà nước

Dù dùng cụm từ “có chút thiệt thòi” so với các huyện nằm trong Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP” khi nói về các chính sách cho Bát Xát (thuộc đối tượng thụ hưởng theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ), song Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát Lê Xuân Thọ không khỏi trăn trở khi nhìn nhận điều kiện của Bát Xát “còn khó khăn hơn nhiều”.

Dân số chỉ có hơn 16.500 người, nhưng diện tích Bát Xát lên tới 1.050 km² với 23 xã, trong đó, có 10 xã biên giới với chiều dài 87km chủ yếu là đường sông. Nhiều xã như Y Tý, Ngải Thầu cách trung tâm huyện gần trăm cây số. Anh Thọ kể rằng, toàn huyện chỉ duy nhất có một xã không nằm trong Quyết định 1049/QĐ-TTg năm 2014, đại đa số là dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều dân tộc ít người và vẫn còn chế độ mẫu hệ như Hà Nhì, nên công tác giảm nghèo “vô cùng gian nan vất vả”.

Y Tý không phải là một trường hợp cá biệt. Một rà soát chính sách của Bộ Tư pháp và Bộ LĐTB&XH mới đây cho thấy có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia cho mục tiêu xoá nghèo bền vững. Nhưng cũng chính việc có quá nhiều như thế đã dẫn đến sự chồng ghép, chia cắt, manh mún.

Chính sách giảm nghèo được đề xuất và thiết kế ở cấp quốc gia, rất khó tiếp cận và phù hợp với địa phương đã hạn chế đến khả năng tác động, làm chuyển biến rõ nét về đời sống của người nghèo.

Rà soát chính sách về xoá nghèo bền vững của Bộ Tư pháp và Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, các chính sách giảm nghèo phần nhiều được thiết kế theo mục tiêu, chỉ tiêu mong muốn cao với nhu cầu nguồn lực rất lớn, nhưng thực tế đáp ứng được rất thấp.

Đơn cử như tổng nguồn vốn tín dụng so với nhu cầu thực tế còn thấp, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo, mặc dù nguồn vốn này đã tăng từ 14.891 tỷ đồng năm 2005 lên gần 42.000 tỷ đồng năm 2012. Từ 2010 đến nay, NHCSXH chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình có vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời.

Một số địa phương đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay, nhưng tổng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa đến 3% tổng nguồn vốn huy động (tăng không đáng kể so với tỷ lệ 2,4% năm 2010). Bên cạnh đó, phần lớn lại là nguồn vốn ngắn hạn. Việc bố trí vốn và cấp bù lãi suất, hạch toán nợ giữa ngân sách Nhà nước và NHCSXH vẫn còn nhiều tồn tại và chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Các chính sách giảm nghèo được ban hành dựa trên cơ sở phân tích nguyên nhân đói, nghèo, song chưa thực sự dựa trên nhu cầu của đối tượng cần được hỗ trợ. Chính sách tín dụng đã có nhưng hạn mức cũng như thời hạn vay chưa hợp lý để tạo điều kiện cho hộ gia đình chủ động thực hiện các giải pháp sinh kế thoát nghèo phù hợp.

Việc “đông cứng” định mức của từng chương trình tín dụng dẫn đến khoản vay trở nên quá nhỏ bé với nhu cầu của những người dân vùng sâu vùng xa như Y Tý, hay các huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 2621, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được vay vốn ưu đãi lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,65%/tháng) với mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/hộ khi vay vốn NHCSXH để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề.

Trong bối cảnh trượt giá, nhiều khi người dân chăn nuôi gia súc chỉ đủ tiền mua được con giống bình thường, khiến việc mở rộng đàn hướng tới sản xuất hàng hóa vô hình trung bị hữu hạn…

Y Tý là xã điển hình cho việc giảm nghèo tại Lào Cai nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung

Y Tý là xã điển hình cho việc giảm nghèo tại Lào Cai nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung

Trở lại với Y Tý tôi thầm hỏi liệu nơi đây có thể có mời được doanh nghiệp chế biến xuyên khung như hôm nay hay không, nếu như không có dự án thử nghiệm 20ha từ Ngân hàng Thế giới đã thành công thời gian qua? Và liệu xuyên khung có thực sự trở thành cây hàng hoá trợ lực xóa nghèo bền vững hay không khi nhiều tỉnh, huyện vùng biên giới phía Bắc đang có chung đích đến phát triển cây dược liệu thành cây xoá nghèo? Câu trả lời vẫn còn xa, rất xa…

Y Tý dù chỉ là một xã nhỏ bé và khuất nẻo, song lại rất điển hình về khó khăn cũng như hiện hữu những nút thắt lớn trong phát triển kinh tế và giảm nghèo của vùng Tây Bắc và nhiều địa phương trên toàn quốc.

Mặc dù ở đây có tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, hay một số vùng có thế mạnh về sản xuất cây hàng hoá hay phát triển du lịch, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, thì vẫn phần lớn ở dạng tiềm năng.

Kéo doanh nghiệp vào sản xuất, khai thác tiềm năng các tỉnh này là điều mà các cấp chính quyền, Bộ, ngành, cũng như ngành Ngân hàng đang làm với những Hội nghị xúc tiến đầu tư gần như thường niên cho Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và khai thác khoáng sản luôn chiếm vị trí áp đảo ở những khu vực thiên nhiên khắc nghiệt.

Cũng là chuyện thường thôi, khi thực chứng cho thấy, để doanh nghiệp có thể sản xuất hàng hoá thì ít nhất cũng phải có nguồn lực đầu tư thoả đáng cho khu vực này đảm bảo khắc phục được thiên tai tối thiểu, hoặc những đầu tư ấy thích nghi được với những khắc nghiệt khí hậu.

Chi phí ấy không chỉ là đầu tư xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu, mà phải từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học để sàng lọc được hướng phát triển kinh tế hàng hoá, có khảo nghiệm trước khi đi vào thực tế, chưa kể là cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này không thể dồn gánh lên doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức tài chính để tạo dựng nền tảng sản xuất ban đầu.

Khi đầu tư để ngăn chặn những khắc nghiệt về mặt thời tiết chưa có, rất khó để có thể nói đến việc mở rộng sản xuất hàng hoá. Vốn ngân hàng dù không thiếu, nhưng cũng khó tuôn chảy khi tính khả thi của dự án luôn là điểm nghẽn.

Đây cũng chính là lý do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho rằng cần đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận xây dựng các chính sách giảm nghèo và hệ thống chính sách giảm nghèo với tầm nhìn dài hơn và mang tính chiến lược hơn.

Trong đó các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, áp dụng cách tiếp cận tăng trưởng bao trùm toàn diện. Việc xây dựng, ban hành chính sách giảm nghèo cần thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Đồng thời cần có cơ chế bảo đảm thực hiện hiệu quả các văn bản, chính sách đó. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần được thiết kế phù hợp với từng địa bàn không chỉ ở tầm tỉnh, huyện mà cần có những chính sách đặc thù đến từng xã.

 “Quy hoạch cần chỉ ra vùng đó làm gì và có chính sách để làm được điều đó. Nếu cứ áp dụng chính sách chung chung thì sẽ có nhiều nơi thành công và cũng rất nhiều nơi không thành công”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Bên cạnh quy hoạch, cần có nguồn lực đầu tư song hành về cả nguồn vốn và khoa học - công nghệ. Nếu đưa vốn, mà không có chính sách, không có hướng dẫn khoa học, bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ thì bài toán xoá nghèo bền vững vẫn sẽ không được giải quyết.

Quan trọng hơn cả đó chính là năng lực thực thi của chính quyền địa phương. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tại Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015: “Thực tế nơi nào cấp ủy, chính quyền quyết tâm, chỉ đạo là có chuyển biến, có kết quả. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục”.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác