Tín dụng chính sách giúp giảm nghèo bền vững ở Ba Vì
Theo chân chị Hoàng Thị Hạnh, nữ Phó giám đốc trẻ tuổi của NHCSXH huyện Ba Vì, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh giao dịch tại Điểm giao dịch xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Một không khí tấp nập, khẩn trương nhưng lại trật tự và nghiêm túc vô cùng. Ngay trên hội trường tầng 2 của trụ sở UBND xã, bà con và các cán bộ của NHCSXH huyện cùng triển khai các thủ tục, thao tác nhanh gọn, dứt khoát. Bàn này nhận trả lãi, trả vốn, bàn kia xuất vốn vay, ký nhận sổ… Các khâu rất nhịp nhàng, bà con ngồi xếp hàng trật tự chờ đến lượt.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Bạch Hồng Nam, cho biết, với gần 14 nghìn dân trong đó hơn 40% là dân tộc Mường, toàn xã hiện còn hơn 3 nghìn hộ nghèo. Tính đến hết 31/3/2015, tổng dư nợ tín dụng chính sách của xã đạt khoảng 20 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Xã hiện có đủ cả 6 chương trình vay vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn vay của người dân chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn, gà, trồng nhãn, vải, đu đủ, ổi, thanh long, chè lai…, đặc biệt có 160 trang trại trên địa bàn đang hoạt động khá hiệu quả. Phó Chủ tịch Bạch Hồng Nam còn cho biết thêm, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác của xã thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra nên nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, thực sự góp phần giảm nghèo bền vững. Việc giải ngân cũng như kiểm tra nguồn vốn được tiến hành chặt chẽ, có hệ thống, giám sát định kỳ hàng tháng và hàng quý. Xã đặt lịch thống nhất chung ngày 7 hàng tháng, Tổ điều hành kiểm tra và thu hồi vốn cùng lãi ngay tại Điểm giao dịch xã. “Thống kê của xã chúng tôi chỉ rõ, nhờ nguồn vốn này, tỷ lệ nghèo của xã giảm bình quân từ 1 - 3%/năm và trong năm 2015 này, xã chúng tôi đặt chỉ tiêu chỉ còn khoảng 5% số hộ nghèo”, vị Phó Chủ tịch nói.
Rời trụ sở xã Ba Trại, theo chân chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Thị Khuyến, chúng tôi tìm đến thôn 8, xã Ba Trại, vào nhà vợ chồng anh Đinh Văn Trường và chị Đinh Thị Thu Phương - hộ gia đình trẻ mới vay 27 triệu đồng. Chủ hộ Đinh Văn Trường cho hay, gia đình anh đã dùng số tiền vay được cộng với huy động thêm tiền trong nhà mua 2 con bê về nuôi. “Đầu ra cho sữa bò thì không phải lo vì trong xã có trạm thu mua rồi, việc cần làm là chăm sóc bò khỏe mạnh, lớn nhanh, cho sữa đều”, anh Trường cười hiền.
Chủ hộ Đinh Văn Trường nói thêm: “Chúng em là vợ chồng trẻ, mới ra riêng vài năm nay. Gia đình thuộc diện cận nghèo của xã, được bác Khuyến - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ. Thủ tục vay vốn ưu tiên, dễ dàng, thuận tiện. 27 triệu này nhà em vay trong 3 năm, trả lãi hàng tháng, lãi suất thấp. Yên tâm lắm các anh, các chị ạ!”.
Tạm biệt vợ chồng Trường - Phương, nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt vợ chồng trẻ, chúng tôi cùng chung niềm vui và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn đang rất gần của gia đình.
Quay trở lại trụ sở NHCSXH huyện Ba Vì cũng quá giờ trưa. Phòng giao dịch chỉ còn 2 cán bộ trực trụ sở, các cán bộ khác đã theo lịch về các xã tiến hành giao dịch. Vừa kịp trao đổi nhanh, bà Nguyễn Thị Hải Ba - Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì cho biết, công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được thực hiện ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể với 550 Tổ tiết kiệm và vay vốn, các giao dịch được thực hiện tại 31/31 Điểm giao dịch xã, thị trấn. Hiện, NHCSXH huyện đang triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý gần 21 nghìn khách hàng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giúp các đối tượng khó khăn có điều kiện vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới.
Vừa lúc ra cửa trụ sở cũng là lúc đoàn chúng tôi gặp lại đoàn cán bộ tín dụng vừa làm việc tại Điểm giao dịch xã Ba Trại trở về. Nữ Phó giám đốc Hoàng Thị Hạnh cho biết thêm “Tầm này đoàn về vẫn còn sớm chứ ở nhiều Điểm giao dịch khác có khi còn muộn hơn. Phương châm làm việc của cán bộ NHCSXH là vì dân phục vụ, theo giờ giao dịch rất đặc thù của bà con nhân dân. Khi nào hết bà con lên làm việc, chúng tôi mới hết giờ làm”.
Có thể thấy, với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận mà là thực hiện chính sách tín dụng của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hệ thống NHCSXH tại cơ sở, trong đó có huyện Ba Vì đang tích cực để đáp ứng đúng mục tiêu cho mục tiêu này.
Bài và ảnh Việt Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người biết cách làm giàu
- » Có một “ngân hàng dê”
- » Thi đua là động lực để phát triển
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: QUY HOẠCH, CHÍNH SÁCH PHẢI ĐẶC THÙ ĐẾN TỪNG XÃ (kỳ III)
- » “Tận tâm với dân, trách nhiệm với công việc”
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Một cán bộ quản lý có tâm
- » Nông dân Cúc Phương với đồng vốn ưu đãi
- » Giúp dân xóa nghèo