Nỗi buồn mang tên nghèo

09/05/2015
(VBSP News) Cơ hội đổi đời cho người dân Si Ma Cai (Lào Cai) không chỉ trông chờ vào tín dụng chính sách và thương mại, mà cần có sự chủ động của tỉnh trong việc cấp ngân sách và ban hành một quy chế sử dụng vốn đặc thù cho Dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi huyện Si Ma Cai, giai đoạn 2015 - 2020.
Sín Văn Cương (giữa) không làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân để lo làm kinh tế gia đình

Sín Văn Cương (giữa) không làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân để lo làm kinh tế gia đình

Dù đã có tới 12 chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ được thực hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng cũng chưa thể thấm vào những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Ở đó cần có những chính sách riêng biệt, có nguồn vốn làm lực bẩy để có thể đẩy đói nghèo ra, kéo kinh tế hàng hoá vào. Tuy nhiên, cứ nói đến nguồn vốn là nhiều tỉnh lại lực bất tòng tâm khi chi thường xuyên còn phải ăn đong, xin Chính phủ. Câu chuyện xoá nghèo bền vững vì thế kéo dài không thấy hồi kết. Si Ma Cai là một câu chuyện như thế.

Si Ma Cai và bài toán đổi đời

“Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai qua các thời kỳ đều trăn trở làm gì để Si Ma Cai bứt phá lên. Đã có nhiều phương án được xây dựng nhưng không thành”, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Nguyễn Bình Minh trăn trở khi khoảng cách thu nhập của người dân Si Ma Cai (9,6 triệu đồng/năm) ngày càng dãn rộng thêm với bình quân chung của tỉnh chỉ bằng 1/3.

Tiềm năng thu nhập từ nông nghiệp khó khăn khi diện tích đất sản xuất bình quân đầu người chỉ khoảng 0,2ha. Độ dốc lớn nên bạc màu nhanh cùng nguồn nước tưới phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất và chất lượng nông sản bấp bênh. Theo giá thu mua ngô năm 2014, trừ chi phí giống phân bón thuốc bảo vệ thực vật ngày công lao động của người nông dân rất thấp 6 triệu đồng/180 ngày công/ha. Mức như vậy người dân chỉ đủ duy trì cuộc sống. Đề án chuyển đổi cơ cấu nông - lâm nghiệp theo quy hoạch vùng khí hậu mà huyện đang trình tỉnh hướng tới phát triển lê tai nung, lê địa phương, thảo quả… tuy nhiên cũng chỉ được vài xã.

Cũng vì thế mà Si Ma Cai có hẳn một Nghị quyết về giảm nghèo bền vững đến năm 2020, với mục tiêu giá trị trên 1ha canh tác tại Si Ma Cai sẽ đạt từ 25 - 35 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,45% năm 2014 xuống còn dưới 10% vào năm 2020 và 4/13 xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020.

Cái ước mơ nhỏ nhoi ấy có tới 5 năm để thực hiện nhưng với Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bình Minh, mục tiêu này vẫn còn nặng nề. Chiếc phao cứu sinh cho mục tiêu này chỉ có thể trông chờ vào sự thành công của Dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020 mà huyện đang trình UBND tỉnh. Đây được coi là điểm đột phá chủ lực để thực hiện Nghị quyết của tỉnh với mục tiêu mỗi gia đình có thêm 2 còn bò, con trâu trở lên.

Dù dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi huyện Si Ma Cai, giai đoạn 2015 - 2020 mới đang được trình lên UBND tỉnh và chưa có phê duyệt, song nhiều hộ dân 2 xã thí điểm trong dự án là Sín Chéng và Bản Mế đã sẵn sàng chờ đón cơ hội đổi đời này. Tại xã Sín Chéng đã có 258/477 hộ dân tham gia. Riêng thôn Sín Chải xã Bản Mế có tới 50 hộ dân/57 hộ dân đăng ký tham gia vào dự án.

Giấc mơ nuôi con trâu sinh sản của anh Sín Văn Cương ở thôn Sín Chải được đánh đổi bằng việc anh từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, để toàn tâm phát triển kinh tế gia đình. Dốc toàn lực trong nhà và tự thi công theo mẫu thiết kế của dự án, dãy chuồng nuôi trâu của anh Cương tốn hơn 30 triệu đồng.

Vợ làm giáo viên mầm non, nhà có 5 khẩu, cuộc sống gia đình anh chẳng thể trông vào khoảnh ruộng trồng cấy 9 cân giống lúa và 6 cân ngô. Cho dù được mùa thì cũng chỉ có ngô để bán, còn 40 bao lúa thu hoạch cũng chỉ đủ ăn và loanh quanh mang đi cưới xin, giỗ chạp là hết. Đất canh tác chẳng thể mở rộng vì nguồn nước hữu hạn, nhiều người dân ở thôn Sín Chải này chọn gia tăng thu nhập và giải quyết thời gian nông nhàn bằng việc đi làm thuê. Thôn 57 hộ mà có tới 40 người đi làm thuê, có những gia đình đi cả vợ cả chồng. Dự án nuôi gia súc tập trung vì thế được coi là sợi dây níu kéo những người dân thôn Sín Chải nói riêng và 10% người lao động ở Si Ma Cai thường xuyên đi làm thuê bên Trung Quốc ở lại với thôn, bản khi dự án đi vào thực hiện.

Tỉnh loay hoay, ngân hàng bí

Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai từ năm 2013 tỉnh sẽ dồn tiền cho vay Dự án đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, Dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi huyện Si Ma Cai, giai đoạn 2015 - 2020 vẫn còn nằm trên bàn của UBND tỉnh, dù đã được điều chỉnh thay đổi các phương án cho vay và sử dụng nguồn vốn nhiều lần. Âu cũng bởi tỉnh không thể cân đối được nguồn đầu tư cho Dự án, còn với ngân hàng tiền thì có nhưng bí cơ chế. Việc triển khai thực hiện vì thế chưa thống nhất dùng nguồn đầu tư nào ngân sách hay từ các ngân hàng.

Chuồng trâu anh Cương xây với mong muốn nuôi 10 con trâu

Chuồng trâu anh Cương xây với mong muốn nuôi 10 con trâu

Tổng kinh phí đầu tư cho Dự án này theo bản đang trình UBND tỉnh là 517 tỷ đồng trong 5 năm. Trong đó, tỉnh sẽ chi phí quản lý vốn vay, cấp bù lãi suất cho vay thông qua nguồn của NHCSXH với mức ngân sách chi 56,477 tỷ đồng, trong đó cấp bù lãi suất là 42,223 tỷ đồng. Mức cho vay không thế chấp tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa 500 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng. Vốn vay là 335,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phương án sử dụng nguồn vốn từ NHCSXH không khả thi. Giám đốc NHCSXH huyện Si Ma Cai Ngô Đức Dũng cho biết, hiện tỷ lệ hộ vay trên địa bàn huyện đã lên tới 80% với bình quân dư nợ 25 triệu đồng/hộ. Với hạn mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ cho vay sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ đã vay kịch trần. Số còn lại có vay cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu vay mua con giống của người dân từ 100 - 150 triệu đồng.

Phương án sử dụng vốn vay của các Ngân hàng thương mại dù nguồn không thiếu nhưng lại mắc vào cơ chế. Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 41 về cho vay nông nghiệp - nông thôn với mức cho vay không thế chấp 100 triệu đồng vẫn chưa được thông qua. Và nếu có cho vay, mức cấp bù lãi suất của tỉnh sẽ chẳng thể là 3,5% như dự án, bởi Ngân hàng này đang huy động thương mại và chi phí cấp bù sẽ gồm cả lãi suất huy động vốn và chi phí quản lý sử dụng vốn và dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, ngay cả khi tỉnh có cơ chế này, việc cho vay thương mại của ngân hàng khó có thể thoả mãn nhu cầu của Dự án. Bởi ngân hàng phải tuân thủ các quy định về quy trình cho vay và thẩm định rủi ro. Hay nói cách khác ngân hàng chỉ đầu tư nếu dự án có hiệu quả.

Cơ sở để ngân hàng cho vay là cầm cố tài sản… nếu muốn triển khai ở Si Ma Cai cũng không thể một sớm một chiều. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND huyện, dù đã đo đạc địa chính song cấp sổ cho các hộ dân Si Ma Cai là cả một vấn đề, vì phải khảo sát kỹ tránh tranh chấp… Trong năm 2015, huyện cũng chỉ đặt mục tiêu hoàn thành cấp đo đạc địa chính.

Giấc mơ. Ai sẽ viết tiếp

Ai viết tiếp những giấc mơ cho người nghèo Si Ma Cai với hơn 80% là đồng bào dân tộc Mông? Câu chuyện đó dường như không thể trông cậy vào các Ngân hàng thương mại cũng như NHCSXH, bởi đã là một cơ chế chung thì đương nhiên vốn sẽ khó có thể chảy đến những nơi khó khăn đặc thù như Si Ma Cai. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Lào Cai cho biết, NHCSXH có nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh với hạn mức lên đến 100 triệu đồng/hộ, nhưng mức cho vay tối đa chỉ là 3% tổng dư nợ với lĩnh vực này. Dù có ưu ái cho Si Ma Cai, đơn vị cũng không thể dồn hết cả 15 tỷ đồng nguồn vốn vào đây vì còn nhiều huyện khác trong tỉnh. Ngay cả con số đó khi vun hết vào cho Si Ma Cai cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu 335,1 tỷ đồng vốn vay theo Đề án.

Tương lai của Si Ma Cai sẽ đi về đâu khi câu chuyện vốn còn dang dở. Chút lạc quan của ông Phó Chủ tịch Nguyễn Bình Minh cũng chỉ ở chỗ sẽ vận động hộ khá có kinh nghiệm, tiềm lực mạnh, họ có thể góp vốn đầu tư hướng dẫn vực những người nghèo lên. Nhưng đó vẫn chỉ là ước mơ bởi mấu chốt thành công của dự án chăn nuôi đại gia súc vẫn phải tính đến bài toán thị trường hàng hoá. Lối đi dựa vào nguồn lực của dân, liên kết hộ trong những mô hình cùng sở thích, kinh tế hợp tác vẫn còn mong manh. Điểm tựa nguồn lực vào doanh nghiệp càng mơ hồ.

“Các doanh nghiệp nông nghiệp lên đây hầu như không mặn mà với những chính sách thu hút đầu tư dù đích thân tỉnh giới thiệu. Lý do là giao thông xa, chi phí vận chuyển lớn, thiếu nguồn nước nên chi phí đắt hơn mở nhà máy ở thành phố Lào Cai, chưa kể Si Ma Cai khá xa đường cao tốc”, ông Minh cho biết.

Cơ hội đổi đời cho người dân Si Ma Cai vì thế không chỉ trông chờ vào tín dụng chính sách hay thương mại, mà cần có sự chủ động trực tiếp của địa phương trong việc cấp ngân sách và ban hành một quy chế sử dụng vốn đặc thù cho Dự án. Có như vậy, đồng bào các dân tộc ở Si Ma Cai mới có cơ hội và ưu ái riêng trong phát triển kinh tế thay vì bị đánh đồng trong tham vọng của HĐND tỉnh là thúc đẩy kinh tế cả 3 huyện nghèo 30a và 3 huyện nghèo 30 theo Quyết định 293 bằng cơ chế hỗ trợ lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất vào vùng khó khăn. Còn nếu không có nguồn tiền đầu tư theo đề xuất dự án, thì Si Ma Cai chỉ hơn một cái là có riêng một Nghị quyết về giảm nghèo bền vững đến năm 2020 mà thôi.

Theo TBNH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác