Giảm nghèo nơi biên giới Việt - Lào

25/04/2015
(VBSP News) Quế Phong là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, nằm trong tốp 62 huyện nghèo của cả nước. Quế Phong giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) với 73km đường biên, địa hình chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn, đất canh tác ít, giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn... Nhiều năm qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, cùng với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH về tới tận thôn bản, thực hiện Nghị quyết của huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Chanh leo mở hướng làm giàu cho người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

Chanh leo mở hướng làm giàu cho người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

Nằm ở trung tâm huyện, xã Quế Sơn có 12 thôn, bản, với hơn 3.600 nhân khẩu, có 4 dân tộc Thái, Mông, Kh’Mú và Kinh cùng sinh sống. Bí thư Đảng ủy xã Lô Thái  Huyết, chia sẻ: Những năm trước, đời sống cuả đồng bào chỉ dựa vào cây lúa nước nên không hiệu quả kinh tế, bà con rất khó khăn,… Nay sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, UBND xã tìm ra hướng đột phá cho vùng đất này, trồng và phát triển giống cây trồng mới, cây mía. Xã chủ động phối hợp với nhà máy đường Tate&Lyle đóng tại huyện Quỳ Hợp, đưa cán bộ kỹ thuật về “cầm tay, chỉ việc”, từng bước chuyển giao kỹ thuật cho bà con từ cách trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía sao cho đạt năng suất cao, chống chịu sâu bệnh. Từ đó giúp bà con yên tâm chăm bón, bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm làm của cán bộ chủ chốt tại xã đã giúp bà con phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn, có đồng ra đồng vào. Từ một vài hộ trồng trong vườn nhà, đến nay mía đã lên đồi, ra đồng, toàn xã nay đã có hơn 241ha mía, từ mía, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững. Minh chứng cho những thay đổi kỳ diệu ấy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 34% (năm 2010) xuống 22,7% (năm 2014). Không dừng lại ở trồng mía, UBND xã Quế Sơn còn tập trung xây dựng nhiều dự án nhằm khơi dây tiềm năng trong dân như trồng rau sạch, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc. Những ngày đầu mới tách hộ, gia đình anh Hồ Đình Khương, ở xóm Hải Lâm 2, còn thiếu thốn, phải lo ăn từng bữa, bữa sáng chẳng đủ no đã phải lo bữa tối. Được xã tạo điều kiện, anh mạnh dạn vay từ NHCSXH 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn và vịt bầu. Sau mấy năm cần cù, chịu khó, từ không đến có, đến nay trong chuồng của anh Khương luôn có gần 100 con lợn, vịt hơn 1.000 con, nhờ vậy, anh Khương không chỉ hoàn trả đủ vốn vay, thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng xã, huyện Quế Phong đã tạo ra được nhiều mô hình sản xuất mang tính đặc thù của địa phương, như chanh leo ở Tri Lễ, nuôi ong ở Châu Thon, lúa cao sản ở Châu Kim, Cắm Muộn và nuôi vịt bầu ở Tiền Phong… Nhờ vậy, tỷ lệ đói nghèo toàn huyện từ 59% (năm 2010) nay giảm xuống còn 36,38%.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chính quyền huyện đã chủ động lồng ghép các chương trình 30a, 135… và các dự án của tổ chức phi Chính phủ để tận dụng vốn, kỹ thuật, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo. Năm 2013, tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam (Action Aid Việt Nam - AAV) đã triển khai Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên các dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Nghệ An” tại huyện Quế Phong. Đến nay, kết quả đạt được nổi bật nhất của dự án là việc hình thành các mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo hướng đi mới, sản phẩm mới, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp, cũng như dịch vụ nông nghiệp. Chủ nhiệm HTX trồng nấm Mường Nọc, Lô Thanh Bình cho biết: Sau hơn 1 năm tham gia xây dựng mô hình trồng nấm do AAV đào tạo, số xã viên đã tăng lên 35 người, với mức thu nhập bình quân tới 25 triệu đồng/người/năm. Số thành viên HTX không chỉ tăng lên gấp 5 lần so với trước, mà còn tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động tại các hộ gia đình. Ngoài HTX trồng nấm, hiện còn có 100 hộ trồng chanh leo với diện tích 55ha, tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 người, thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập tới 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình trồng rau sạch, nuôi trồng thủy sản… bước đầu cũng mang lại những kết quả khả quan ở vùng đất khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, được cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục, hướng dẫn sử dụng vốn vay đạt hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để khai hoang, hoặc thuê đất để lập nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Để tiếp sức cho phong trào thanh niên làm kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng, Đoàn Thanh niên huyện Quế Phong còn chủ động phối hợp với NHCSXH nhận ủy thác trên 36 tỷ đồng, thành lập được 45 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, 1.686 hộ còn dư nợ, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình từ đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo nơi biên giới Việt - Lào.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác