Hơn cả niềm đam mê

22/04/2015
(VBSP News) Tôi gặp chị vào khoảng đầu những năm 2000 đang công tác tại Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHPVNN) thuộc NHNNo&PTNN tỉnh Phú Thọ. Giữa những người làm công tác chính sách luôn cởi mở, thân thiện, có phần hơi “ồn ào” chị lại như trầm lắng hơn hẳn. Ngày ấy, mỗi lần sang NHPVNN làm việc, tôi luôn được mọi người quý mến nên cả phòng cùng chuyện trò rôm rả, chỉ riêng mình chị sau nụ cười tươi thay cho lời chào lại cúi xuống cặm cụi với chồng chứng từ chất cao trước mặt. Có lẽ ấn tượng về chị sẽ không thay đổi cho đến khi NHCSXH được thành lập trên cơ sở tổ chức lại từ NHPVNN vào năm 2003. Vẫn là cán bộ tín dụng của Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, nhưng gặp chị tôi không khỏi ngỡ ngàng về một Lại Thị Tuyết như “lột xác” thành một người khác hẳn, thân thiện, năng nổ và hoạt bát đến bất ngờ.
Phó giám đốc Lại Thị Tuyết (người đứng) trực tiếp đi kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ chương trình đào tạo cho cán bộ NHCSXH

Phó giám đốc Lại Thị Tuyết (người đứng) trực tiếp đi kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ chương trình đào tạo cho cán bộ NHCSXH

Sau này có cơ hội tiếp xúc nhiều, thắc mắc với chị về sự thay đổi ấy, tôi nhận được câu trả lời rất đơn giản từ chị: “Ngày ấy tôi mới chuyển từ huyện về tỉnh. Đang làm tín dụng thương mại chuyển sang làm mảng chính sách, tôi không quen nên phải tập trung học hỏi cho cẩn thận tránh nhầm lẫn sai sót. Sau này khi quen việc rồi, mỗi lần nhà báo sang thấy mọi người thân thiết chuyện trò vui vẻ tôi cũng muốn góp chuyện chứ, nhưng ngặt nỗi phòng thì ít người, công việc lại nhiều nên tôi không dứt ra được thôi”. Đơn giản thế nhưng nó cũng giúp tôi hiểu chị nhiều hơn. Đúng là với chị công việc luôn được ưu tiên hàng đầu.

Không đơn giản chỉ là sự tận tụy với một tinh thần trách nhiệm cao, trong công việc chị còn là một người linh hoạt, nhạy bén rất chuyên nghiệp. Lúc mới được thành lập, để củng cố hoạt động của Phòng giao dịch các huyện, cán bộ Phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh phải thường xuyên đi kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình cũng như đảm bảo quy trình vay vốn ở cấp huyện. Nhiều lần được tham gia đi kiểm tra cùng các anh chị, chứng kiến cảnh Phó trưởng phòng Lại Thị Tuyết cương quyết nhưng cũng đầy khéo léo chỉ ra những lỗi nghiệp vụ cơ bản mà cơ sở luôn có đủ mọi lý do để bao biện đã khiến tôi không khỏi nể phục. Có lẽ chính sự dứt khoát không chịu thỏa hiệp của chị với những khuyết điểm vốn bị cho là vì thiếu người, hay trình độ cán bộ tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác còn hạn chế… đã phần nào giúp chấn chỉnh hoạt động của các Phòng giao dịch thời điểm mới thành lập còn nhiều khó khăn.

Đáng nói là dù rất cương quyết nhưng chị lại không phải là người áp đặt. Sau mỗi lần chỉ ra những tồn tại của cơ sở, chị lại cùng họ bàn phương án giải quyết phù hợp với tình hình của từng đơn vị. Phải chăng vì thế nên dù là người chuyên “vạch lá tìm sâu” trong những đợt kiểm tra nhưng chị lại được cán bộ Phòng giao dịch các huyện rất yêu quý.

Một điểm mạnh của chị là luôn có sự thích ứng rất nhanh với yêu cầu của từng môi trường làm việc. Vừa chứng kiến chị nguyên tắc đến cứng nhắc khi yêu cầu Phòng giao dịch phải khắc phục ngay sai sót chuyên môn, nhưng khi xuống kiểm tra hộ vay vốn lại thấy chị xuề xòa đến khó tin. Luôn tự hào là người sinh ra từ làng quê, nên mỗi khi xuống thăm mỗi hộ nông dân chị có thể thoải mái trao đổi với họ từ tình hình thời tiết, mùa vụ, sâu bệnh đến cách xới cỏ vườn sao cho đất tơi xốp, rồi chăm sóc đàn lợn con mới sinh… Chính nhờ sự cởi mở gần gũi ấy đã giúp chị đến gần hơn với các khách hàng của mình - những người mà chị luôn cho rằng đối tượng chính sách là những người chịu nhiều thiệt thòi và rất dễ bị tổn thương. Vì thế khi tiếp xúc phải rất thận trọng, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc. Xuất phát từ sự cảm thông chân thành nên những địa bàn chị được giao phụ trách luôn đạt hiệu quả hoạt động rất cao. Ngay như xã Thụy Vân và Trưng Vương là hai địa bàn rất khó khăn khi nhận bàn giao từ NHPVNN bởi tỷ lệ nợ quá hạn cao, nhưng với sự năng nổ nhiệt tình của cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn chị đã giúp giải quyết dần số nợ tồn đọng đó đưa chất lượng tín dụng của cả hai xã tăng lên.

Luôn tận tụy, trách nhiệm trong công việc nên dù ở vị trí nào chị Tuyết cũng đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đang là Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, tháng 10/2010 chị Tuyết được bổ nhiệm Phó giám đốc cơ sở đào tạo NHCSXH trực thuộc Trung tâm đào tạo NHCSXH, chức danh Giám đốc cơ sở là do đồng chí Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ kiêm nhiệm. Là cấp phó nhưng chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp mọi hoạt đông của cơ sở, có thể nói chị Tuyết đã phát huy khá tốt khả năng bao quát nhạy bén giúp cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ: Tiếp nhận kế hoạch và triển khai các khóa đào tạo thuộc Trung tâm đào tạo do Tổng giám đốc giao.

Sau 5 năm thành lập, cơ sở đào tạo tại Phú Thọ là một trong những cơ sở đứng đầu trong hệ thống đào tạo của NHCSXH, không chỉ vì có cơ ngơi khang trang mà còn bởi sự “chuyên nghiệp” của người điều hành. Học viên tham gia các khóa đào tạo tại cơ sở Phú Thọ dù ngắn hay dài ngày đều có ấn tượng rất tốt về người Phó giám đốc ở đây bởi sự nhiệt tình, sâu sát của chị. Có những khóa học viên lên đến hàng trăm người, nhưng không chỉ mọi điều kiện sinh hoạt về ăn ở được đảm bảo, chị Tuyết còn quan tâm đáp ứng đủ các điều kiện học tập, máy tính, đường truyền Internet… phục vụ học viên. Chính sự chu đáo của chị khiến những học viên dù khó tính nhất cũng phải hài lòng. Luôn được sự đánh giá cao của mọi học viên, nên cơ sở đào tạo Phú Thọ thường được lựa chọn triển khai các kế hoạch lớn hoặc những chương trình đào tạo cán bộ cao cấp của NHCSXH.

Biết chị gần 20 năm, tưởng như đã có thể hiểu hết về chị để  rồi mỗi lần tiếp xúc chị lại cho tôi thấy một khía cạnh mới của mình. Nhưng có một điều chắc chắn không thay đổi ở chị đó là sự nhiệt huyết với công việc. Hơn cả niềm đam mê, bởi đam mê còn có khi “vơi” khi “đầy”, sự nhiệt huyết ấy giúp chị luôn thổi bùng nguồn năng lượng rồi rào để chị có thể gắn bó, hy sinh, hết lòng vì nghiệp tín dụng chính sách mà chị đang đeo đuổi.

Bài và ảnh Kim Thư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác