Những nữ cán bộ nhiệt tâm với công việc

22/04/2015
(VBSP News) Công việc tín dụng tại NHCSXH luôn đòi hỏi người đảm nhận nhiệm vụ này phải có sức khỏe tốt, nghiệp vụ giỏi, khả năng tuyên truyền và thuyết phục người vay trả nợ, trả lãi sòng phẳng, đầy đủ... Bằng chính nhiệt huyết đối với nghề, những nữ cán bộ tín dụng của NHCSXH TP. Cần Thơ mà chúng tôi gặp đã vượt qua mọi trở ngại trên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để mang vốn ưu đãi của Nhà nước đến với nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Nguyễn Thị Mỹ Duyên đang thực hiện giao dịch với khách hàng

Nguyễn Thị Mỹ Duyên đang thực hiện giao dịch với khách hàng

Tận tụy với nghề

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán Kiểm toán, năm 2011, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, sinh năm 1988 được tuyển dụng vào công tác tại NHCSXH huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ).Với sức trẻ và sự nhiệt tình, chị được đảm nhận công việc là cán bộ tín dụng. Lúc đầu Duyên còn gặp nhiều bỡ ngỡ vì địa bàn các xã khá rộng, đường đi nước bước Duyên còn lạ lẫm. Duyên tâm sự: “Quê tôi ở Bến Tre, bản thân học tại Cần Thơ nhưng đường sá thì không rành lắm. Nhớ lúc đầu đi công tác ở các ấp, lúc về cứ bị lạc đường nhưng được sự hỗ trợ các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như sự dìu dắt của các đồng nghiệp đi trước tôi đã nhanh chóng nắm bắt được công việc cũng như thành thạo đường đi nơi địa bàn mình phụ trách”.

Với sự năng động cộng với bản tính ham học hỏi và tìm tòi của bản thân nên trong thời gian ngắn Duyên đã nắm vững được những kiến thức tín dụng trong ngành ngân hàng, tạo được uy tín với lãnh đạo, đồng nghiệp và người dân. Do đặc thù của công việc vào tháng 8/2013, Duyên được luân chuyển về NHCSXH huyện Cờ Đỏ. Và hiện nay, Duyên được lãnh đạo giao phụ trách địa bàn 2 xã Thạnh phú và Trung Thạnh với khoảng 4.000 hộ vay. Ai đã một lần gặp Duyên không khỏi bỡ ngỡ, cô gái có dáng người nhỏ nhắn thế này nhưng không hiểu sao đi công tác giỏi thế. Thời gian đi giao dịch lưu động tại các xã đã chiếm gần hơn nửa thời gian trong tháng của Duyên, vậy mà chị luôn sắp xếp thời gian một cách hợp lý, ngày nào không đi giao dịch là phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay hay đôn đốc những hộ có nợ quá hạn. Đồng thời, trong lúc đi công tác, Duyên tranh thủ tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến từng hộ gia đình để bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và khi họ hiểu thì việc vận động họ trả nợ cũng dễ dàng hơn.

Sau hơn 4 năm lăn lộn với nghề, niềm vui của Duyên là thấy cuộc sống của bà con vùng quê ngày càng khấm khá, những gia đình thuộc diện vay vốn và có nhu cầu vay đều được tiếp cận với nguồn vốn. Duyên còn nhớ mãi hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy. Vợ chồng chị Thúy vay vốn để về xây nhà trong khu dân cư vượt lũ. Không bao lâu chồng chị mất. Một mình chị làm thuê nuôi con ăn học. Chị cũng quên mất đi số tiền vay ngân hàng. Khi cán bộ hội, đoàn thể và ngân hàng đến vận động chị trả nợ thì chị mới nhớ ra. Và điều làm chị bất ngờ là ngoài khoản vay nhà vượt lũ, trước đó chồng chị còn vay chương trình hộ nghèo và NS&VSMTNT mà chị không hề hay biết. Tính ra số tiền chị phải trả cho ngân hàng là hơn 20 triệu đồng, Duyên cùng địa phương một mặt vận động chị trả nợ, mặt khác hướng dẫn cho chị cách thức làm ăn để có tiền trả nợ dần cho ngân hàng. Đến nay, chị Thúy đã trả gần hết số nợ vay.

Trong quá trình theo dõi, quản lý nguồn vốn cho vay, Duyên còn chủ động đề xuất với cán bộ các hội, đoàn thể cấp xã hướng dẫn, góp ý kiến cho các gia đình về cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả nhất, hạn chế tối đa mọi rủi ro. Duyên thường xuyên thông tin cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành. Giúp cho nhiều gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Duyên tâm sự: “Mỗi năm 2 do Duyên phụ trách đều có khoảng 40 hộ vay vốn thoát nghèo. Chính điều này làm Duyên cảm thấy những n lực, cố gắng của mình là xứng đáng vì nó mang niềm vui cho người dân, giúp họ vượt qua cái nghèo, từng bước có cuộc sống sung túc hơn”.

Ông Lưu Đức Phong - Giám đốc NHCSXH huyện Cờ Đỏ, cho biết: Hơn 4 năm gắn bó với nghề, Duyên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Duyên là lớp cán bộ trẻ năng động và đầy nhiệt huyết,những công việc giao cho Duyên chúng tôi rất yên tâm. Việc cho hộ nghèo vay, rồi thu hồi đủ vốn, lãi cũng là những thách thức cho những cán bộ tín dụng NHCSXH nên rất cần những cán bộ yêu nghề có tâm huyết như Duyên”.

Năng động trong công việc

Luôn niềm nở, tận tình trong công việc, hướng dẫn tỉ mỉ người dân các thủ tục vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đó là những gì mà chúng tôi thấy và cảm nhận từ Nguyễn Thị Kim Thoa - cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Phong Điền.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (áo hồng) cùng cán bộ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (áo hồng) cùng cán bộ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích

Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp, vào năm 2009, Thoa được tuyển dụng vào làm việc tại NHCSXH quận Cái Răng. Đến năm 2010, Thoa được luân chuyển về nhận công tác tại NHCSXH huyện Phong Điền. Với nhiệt huyết của mình, Thoa đã mang kiến thức đã được học tập cùng với những kinh nghiệm làm việc, giúp đỡ cho người dân trong việc tiếp cận, vay vốn ưu đãi của Nhà nước.

Chúng tôi có dịp đi cùng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng của NHCSXH huyện Phong Điền đến các xã thực hiện giao dịch với người dân. Nhìn cách giao tiếp, hướng dẫn tận tình các thủ tục vay vốn ưu đãi cho các Tổ trưởng Ttiết kiệm và vay vốn, cũng như cách Thoa làm việc với hộ vay, chúng tôi không khỏi thán phục người cán bộ trẻ này. Bà Nguyễn Phượng Vân - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Tân Long, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Cán bộ Thoa nhiệt tình và gần gũi với người dân địa phương. Thoa hướng dẫn tận tình cho chị em làm các thủ tục để vay vốn NHCSXH. Thoa còn tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác tín dụng để người dân am hiểu và thực hiện. Nên việc sử dụng đồng vốn để phát triển sản xuất của người dân ngày càng hiệu quả”. Điển hình như hộ ông Nguyễn Tấn Lực, ngụ xã Tân Thới, vào năm 2012 ông được vay vốn hộ nghèo 5 triệu đồng, hạn trả là vào năm 2015. Nhờ biết cách đầu tư vào sản xuất trồng hoa cảnh và chịu khó học hỏi nên ông Lực đã có thu nhập ổn định từ công việc này. Vào năm 2013 ông đã hoàn trả hết vốn vay cho ngân hàng. Đến năm 2014, hộ ông Lực tiếp tục được vay số tiền 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn trong tay, vợ chồng ông Lực đầu tư trồng hoa cảnh với nhiều giống đa dạng hơn.Hết mùa hoa cảnh thì ông Lực chuyển qua trồng các loại hoa màu và buôn bán. Nhờ cố gắng làm ăn, đến cuối năm 2014 hộ ông Lực đã thoát nghèo. Hay hộ Trần Thị Đậm, gia đình khó khăn, không đủ tiền lo cho con ăn học. Vào năm 2009, gia đình bà được vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV, nguồn vốn nàynhư là cứu cánh đối với gia đình . Từ số tiền 25,8 triệu đồng con đã học tốt nghiệp ra trường vào năm 2012 và tìm được việc làm ổn định. Vừa qua, bà Đậm đã trả hết nợ cho ngân hàng.

 Tôi nhớ mãi những ngày đầu đến thực tập tại NHCSXH. Khi thấy cán bộ ngân hàng làm việc với với Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn như người thân trong gia đình. Tôi rất thích điều này vì nó khác với phong cách làm việc của cácNgân hàng thương mại. Và mục tiêu của NHCSXH là phục vụ người nghèo nên tôi cũng muốn đóng góp công sức của mình để giúp đỡ bà con nghèo khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Với ý nghĩ đó, tôi quyết định thi tuyển và làm việc tại NHCSXH, Nguyễn Thị Kim Thoa, tâm sự. Và khi vào làm việc tại NHCSXH đã làm thay đổi Thoa rất nhiều. Trước đây Thoa là người rất trầm tính nhưng khi bắt nhịp vào công việc tính dụng đã rèn Thoa trở thành con người hoạt bát hơn, hòa đồng gần gũi với người dân địa phương.

Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Phong Điềnđạt hơn 169 tỷ đồng. Toàn huyện cũng đã thành lập được 261 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời còn huy động hộ vay gửi tiết kiệm, với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Hơn 6 năm làm công tác tín dụng, dù tuổi đời còn khá trẻ tuy nhiên, Kim Thoa luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao, đồng thời chị còn là người cán bộ gương mẫu trong công việc, tận tình giúp đỡ các đồng nghiệp trong chuyên môn để cùng nhau tiến bộ, triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Khánh Vân - Giám đốc NHCSXH huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ), đánh giá: “Nguyễn Thị Kim Thoa có kiến thức nghiệp vụ tốt, luôn thể hiện tinh thần cầu thị, cầu tiến, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ, biết áp dụng khá tốt trong thực tiễn công việc. Thoa còn tích cực, cố gắng trong công tác, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức, kỷ luật,sống hòa đồng cùng tập thể. Đồng thời, chấp hành tốt sự phân công của lãnh đạo”.

Bài và ảnh Phi Yến

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác