“Bà đỡ” giúp người nghèo thực hiện ước mơ
Chúng tôi đã biết không ít những giấc mơ của nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu đã trở thành hiện thực. Họ có thể khác nhau về dân tộc, địa bàn sinh sống và phương thức làm giàu nhưng họ vẫn có điểm chung đó là lòng quyết tâm, nghị lực từ một “bà đỡ” vô cùng quan trọng là NHCSXH.
Chúng tôi gặp lại anh Lò Văn Điếng khi anh đã là một triệu phú ở bản Nà Can, xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu). Trước đây, anh Điếng là hộ nghèo của bản. Nhà cũng có ruộng, có vườn, vợ chồng cũng sức dài vai rộng nhưng do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và đặc biệt là thiếu vốn khiến gia đình anh cứ mãi sống trong cái “vòng thôi miên” của đói nghèo. Đã có lúc giấc mơ lớn nhất của vợ chồng anh chỉ dừng lại ở bát cơm đầy và cái bụng no. Cũng may anh Điếng còn nhận ra mình nghèo để có ước mơ. Đi tham quan các nơi, học hỏi các chốn, anh biết mình có thể thoát nghèo nhưng quan trọng là vốn làm ăn chưa có. Nhận ra mấu chốt của vấn đề, năm 2005 anh vay 5 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi 4 con lợn nái. Để có thêm thu nhập và thức ăn cho lợn, anh Điếng mở lò nấu rượu, làm đậu phụ lấy ngắn nuôi dài. Hàng ngày tiền bán rượu, đậu phụ anh liền mua cám cho lợn, bã rượu, bã đậu giúp anh có thêm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ “mát tay” nuôi nấng, lại biết phòng trừ dịch bệnh nên đàn lợn của anh lớn nhanh, khỏe mạnh và cuối năm đó chúng sinh sản. Có con giống, anh mở rộng quy mô chăn nuôi và cứ thế, từ không đến có, đến nay trung bình mỗi năm anh bán được khoảng 3 tấn lợn thịt, thu lãi cũng đến hơn trăm triệu đồng. 5 triệu đồng ban đầu của NHCSXH đã “đẻ” ra những khoản lợi nhuận lớn gấp cả trăm lần như thế. Bây giờ, khi đã là người thành công, anh Điếng khẳng định: “Ngày ấy nếu không vay được tiền từ NHCSXH có lẽ tôi đã không có được ngày hôm nay”. Anh cười, trong cái cười tôi nhận thấy sự chiêm nghiệm và cả nét hàm ơn về một người nào đó.
Cũng giống như anh Điếng, ông Điêu Văn Thịnh ở bản Nà Dân, xã Mường Kim, huyện Than Uyên cũng thoát được đói, nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Công cuộc thoát nghèo của ông Thịnh bắt đầu từ năm 2005. Khi đó ông vay của NHCSXH và các Ngân hàng thương mại khác được gần 50 triệu đồng. Có tiền ông mua giống lợn, ngan, vịt về chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ là người nông dân chất phác, cái ông có nhiều nhất là sự thật thà chứ chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm nên những lứa vật nuôi đầu tiên của ông thường bị dịch bệnh mà chết gần hết. Lúc ấy NHCSXH lại là người hỗ trợ ông lần nữa. Sau những lần rủi ro vậy, ông có thêm kinh nghiệm nên những lần chăn nuôi sau ông đã chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Không bị bệnh tật, được chăm sóc chu đáo đàn vật nuôi của gia đình ông lớn nhanh trông thấy. Từ những thành công bước đầu, ông mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi đồng thời kết hợp với việc đào ao thả cá và trồng trọt. Mô hình VAC của ông từ nhỏ rồi lớn dần và nay đã hoàn thiện. Hàng năm ông có thóc, gia cầm, cá, lợn, dê để bán, 4 con trâu để làm sức kéo… Bên chén chè đặc sánh, ông Thịnh khiêm tốn: “Tôi chẳng tính cụ thể nhưng ang áng mỗi năm cũng bỏ ống được vài chục triệu đồng gọi là…”.
Hộ anh Lò Văn Điếng, ông Điêu Văn Thịnh chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu thoát được nghèo nhờ các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH. Dễ dàng nhận thấy sự thành công của các hộ đều có sự trợ giúp không nhỏ của Nhà nước để những ước mơ của họ thành hiện thực.
Ông Lò Văn Siêng - Trưởng bản Nậm Nhùn, xã Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn khẳng định: Dù không nhiều nhưng số vốn mà NHCSXH cho các hộ dân nơi đây vay có ý nghĩa rất lớn vì nó đã giải quyết được khâu quan trọng nhất trên con đường thoát nghèo của mỗi hộ dân. Nếu không có nguồn vốn đó, những dự định của người dân mãi chỉ là những toan tính bất khả thi.
Không phải tất cả những ước mơ đều thành hiện thực và đặc biệt đó là ước mơ đổi đời của những người nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bằng nghị lực, bằng sự tinh nhạy và đặc biệt là dưới sự giúp đỡ của NHCSXH, nhiều người dân đã rũ bỏ kiếp nghèo để đến với một tương lai, cuộc sống mới. Với họ, người mang ơn lớn nhất chắc phải kể đến NHCSXH.
Bài và ảnh Dư Khánh Kiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thành triệu phú từ vốn vay chính sách
- » “Luôn bền bỉ, tâm huyết trong công việc”
- » Những nữ cán bộ nhiệt tâm với công việc
- » Hơn cả niềm đam mê
- » Người đồng hành giúp dân xóa nghèo
- » “Người quản lý vốn ở huyện nghèo và không có nợ quá hạn”
- » Người cán bộ tín dụng dân tộc Khmer năng động
- » Người “chiến sĩ” trên mặt trận giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Cách mạng
- » Tổ trưởng “ba nhất”