“Việc nào có lợi cho hội viên thì Hội Nông dân “xắn tay” vào để làm”

17/05/2015
(VBSP News) Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH Lại Xuân Môn khẳng định, việc Hội Nông dân tham gia ủy thác vốn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH cũng là góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội. Việc nào có lợi cho hội viên nông dân thì Hội Nông dân phải “xắn tay” vào để làm và nỗ lực làm tốt. Hơn 13 năm thực hiện ủy thác vốn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân. Hội Nông dân ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn

Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn

Phóng viên: Hội Nông dân là 1 trong 4 tổ chức hội, đoàn thể tham gia nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, ông có thể chia sẻ những kết quả đạt được trong hơn 13 năm qua?

Trả lời: Ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH. Đây là tổ chức tín dụng ưu đãi như là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần giúp Chính phủ thực hiện chiến lược giảm nghèo. Xác định được ý nghĩa đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, NHCSXH đã rất chú trọng tới các giải pháp, cách thức triển khai “dẫn” dòng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Trong hơn 12 năm qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH đã thực hiện tốt mục tiêu là tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi; huy động lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo…

Có được những kết quả tích cực như vậy, cùng với hệ thống NHCSXH, các cấp Hội Nông dân đã vượt qua nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề con người, đó là đội ngũ cán bộ hội. Trước đó, cán bộ Hội Nông dân gần như chưa có kỹ năng, nghiệp vụ về tín dụng. Nhận ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn, một mặt, Hội Nông dân và NHCSXH phải tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn. Quá trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn là thường xuyên, liên tục trong các năm bởi mô hình ủy thác luôn được bổ sung, điều chỉnh để tiến tới hoàn thiện. Bên cạnh đó, các cấp hội còn cố gắng, nỗ lực thành lập, củng cố, điều hành, quản lý tốt hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc này càng được chú trọng hơn tại các địa bàn nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Một trong những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân những năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hiểu rõ và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với NHCSXH, hệ thống chính trị, Hội Nông dân đã đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, báo chí của hội như Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Bản tin Công tác hội, Cổng TTĐT ở TW và Cổng Thông tin của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội; tổ chức hội thi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn giỏi… Đến nay, cơ bản cán bộ, hội viên nông dân đã nắm vững chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng như các quy trình, thủ tục cho vay vốn của NHCSXH…

Phóng viên: Những nỗ lực, cố gắng đó được thể hiện như thế nào sau 13 năm Hội Nông dân tham gia ủy thác vốn tín dụng ưu đãi, thưa ông?

Trả lời: Dự nợ ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Nếu như năm 2003, Hội Nông dân, NHCSXH mới chỉ “bắt tay” thực hiện duy nhất 1 chương trình tín dụng ưu đãi là cho vay hộ nghèo với hơn 3.000 tỷ đồng, thì đến nay, hội đang nhận ủy thác tới 16 chương trình tín dụng có tổng dư nợ 42.452 tỷ đồng (chiếm 33,33% tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể) với hơn 2,27 triệu hộ hội viên nông dân đang vay vốn và sinh hoạt tại hơn 64.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội thành lập và quản lý. Mức vay bình quân của 1 hộ được tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2008, bình quân 1 hộ vay mới chỉ đạt gần 10 triệu đồng thì đến nay, mức dư nợ bình quân đã đạt hơn 18,5 triệu đồng. Nếu trước năm 2010, bình quân mỗi Tổ tiết kiệm và vay vốn chỉ có 20 thành viên thì đến hết năm 2014 con số này đã nâng lên 35 thành viên. Cùng với tăng trưởng tín dụng, những năm qua, NHCSXH và Hội Nông dân luôn phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, bởi đây là vấn đề then chốt đảm bảo sự bền vững của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn vốn tín dụng ưu đãi ủy thác qua Hội Nông dân luôn giảm qua các năm và đến hết năm 2014 tỷ lệ này chỉ còn ở mức 0,41%. Hội Nông dân và NHCSXH sẽ tiếp tục có các giải pháp thiết thực nhằm hạ thấp hơn nữa tỷ lệ nợ quá hạn trong những năm tới. Có thể khẳng định, các chương trình vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo ở Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống còn 9,45%, trong giai đoạn 2011 - 2013 giảm từ 14,2% xuống còn 7,8% và năm 2014 là dưới 6%, mục tiêu năm 2015 đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%…

Hơn 4,2 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp thì có nhiều hộ vươn lên từ nghèo khó nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Hơn 4,2 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp thì có nhiều hộ vươn lên từ nghèo khó nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Phóng viên: Một trong những yếu tố đảm bảo cho sự bền vững của các chính sách tín dụng ưu đãi là đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả. Vậy, Hội Nông dân đã có giải pháp nào để hội viên nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi?

Trả lời: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi chính là công cụ, giải pháp hữu hiệu không thể thiếu để nông dân vượt qua khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu. Nhưng điều quan trọng không kém đó là đồng vốn được vay phải được đầu tư đúng hướng, mang lại hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Nếu chỉ giúp nông dân vay vốn không thì chưa đủ mà phải giúp họ có kiến thức, đào tạo nghề, làm chủ được kỹ năng sản xuất, hình thành các liên kết trong sản xuất. Chính vì thế, quan điểm của Hội Nông dân đối với việc tham gia nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi là phối kết hợp nghiệp vụ giải ngân với hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề của tổ chức hội. Đó là các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT; hướng dẫn cách làm ăn; cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, máy móc và dạy nghề cho nông dân. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong cả nước các cấp hội vận động trên 10 triệu lượt hội viên nông dân tham gia học nghề; phối hợp tổ chức dạy nghề được 894.240 người; tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 90%; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn sử dụng vốn hiệu quả, xóa dần mặc cảm, tự ty, ỷ lại, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Phóng viên: Theo ông, việc tham gia ủy thác vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa như thế nào đối với cán bộ, hội viên nông dân; tác động ra sao tới công tác hội và phong trào nông dân?

Trả lời: Trong nhiều kỳ Đại hội, yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân luôn là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Nói thì dễ, nhưng để thực hiện có hiệu quả thì không hề dễ, vừa phải có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải có giải pháp thích hợp. Cùng với hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề thì việc thực hiện ủy thác vốn tín dụng ưu đãi của Hội Nông dân chính là công cụ, phương tiện hiệu quả để hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Thông qua thực hiện ủy thác vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp hội viên nông dân tiếp cận dễ dàng, thuận lợi dòng vốn tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Trong số hơn 4,2 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp thì có nhiều hộ vươn lên từ nghèo khó nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi cũng góp phần giúp Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua khác của hội như phong trào “nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”; “nông dân tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng”. Nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi cũng góp phần giúp cán bộ hội các cấp gần dân, sát dân, nắm bắt và phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của hội viên để từ đó đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới chính sách. Thông qua đó, hệ thống tổ chức hội cũng ngày càng vững mạnh, các phong trào ngày càng sát thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của hội viên. Thực hiện nhiệm vụ ủy thác, đội ngũ cán bộ hội ngày càng trưởng thành, sát thực với thực tiễn nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Vừa làm công tác tín dụng ưu đãi, vừa thực hiện hiệu quả hơn vai trò, chức năng tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên. Nguồn phí ủy thác được trích lại đã giúp các cấp hội có điều kiện thuận lợi hơn trong sinh hoạt, là động lực để các cấp hội, nhất là cán bộ chi, tổ hội năng động, nhiệt tình đối với công tác hội. Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tăng cường tình đoàn kết trong nội bộ nông dân, thắt chặt thêm tình làng xóm, láng giềng, hỗ trợ lẫn nhau trong cùng một cộng đồng. Mô hình, cách thức thực hiện ủy thác vốn chính sách thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân là giúp cho NHCSXH tiết giảm được chi phí quản lý, bộ máy điều hành tác nghiệp gọn nhẹ mà hiệu lực và hiệu quả vẫn cao; tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, người dân giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi; tạo thuận lợi, tiện ích tối đa cho người được thụ hưởng…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

ĐÔNG DƯƠNG thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác