Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới tại Võng Xuyên
Dẫn đoàn chúng tôi vào xã, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hùng cho biết, Võng Xuyên là một xã đông dân của huyện Phúc Thọ. Toàn xã hiện có hơn 17.500 nhân khẩu với 4.032 hộ đang sinh sống tại 6 thôn, 1 xóm, 1 thị tứ và được chia thành 12 cụm dân cư. Người dân trong xã vốn có truyền thống cần cù, chịu khó trong sản xuất. Là nơi có vùng chuyên canh lúa và cây rau màu các loại, làm ra các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống văn hóa - tinh thần - cơ sở vật chất phục vụ đời sống của nhân dân đã được nâng cao.
Một trong những nét nổi bật của phong trào là sự huy động hiệu quả nguồn vốn từ NHCSXH huyện Phúc Thọ. Với việc triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, tập trung nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo và các hộ đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi này đã góp phần tích cực từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với hộ nghèo, hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo vươn lên, có mức sống khá, tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm tới hỗ trợ hộ nghèo diện chính sách, hộ có công, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội.
Cũng theo ông Hùng, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của NHCSXH huyện Phúc Thọ, các hộ nghèo đã được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và học tập, học nghề và cả đi xuất khẩu lao động… Không phải vay nặng lãi, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, học tập, đào tạo nghề, tạo việc làm cho các doanh nghiệp; khuyến khích hộ nghèo vươn lên có mức sống khá.
Tại địa bàn xã Võng Xuyên hiện nay, UBND xã đã giao cho 4 tổ chức hội, đoàn thể phụ trách các tổ, nhóm và hộ thành viên gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội CCB có tổng số 24 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 978 thành viên; trong đó, Hội Nông dân có 9 tổ với 324 thành viên, Hội Phụ nữ có 10 tổ với 455 thành viên, Hội CCB có 2 tổ với 76 thành viên, Đoàn Thanh niên có 3 tổ với 123 thành viên. Tổng số dư nợ tính đến hết tháng 3/2015 là 16,3 tỷ đồng cho 978 đối tượng vay.
Từ thực tiễn huy động và sử dụng nguồn tín dụng chính sách của xã, ông Lê Văn Hùng kiến nghị, NHCSXH cần đầu tư tăng cường các nguồn vốn học nghề, giải quyết việc làm, vốn nước sạch và vệ sinh môi trường cho địa phương để tăng thêm số lượng đối tượng vay, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, NHCSXH nên xem xét hạ mức lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay (0,65%), hộ cận nghèo (0,78%), vay nước NS&VSMTNT (0,8%) vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung và thu nhập của người nghèo.
Ông Hoàng Văn Tứ - Giám đốc NHCSXH huyện Phúc Thọ, cho biết, tính riêng năm 2014, từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Phúc Thọ đã có 886 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm mới cho 2.766 lao động trong nước, 2 lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài; giúp 3.348 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; góp phần xây dựng và cải tạo được 4.172 công trình NS&VSMTNT.
Phát huy kết quả này, năm 2015, NHCSXH huyện Phúc Thọ đặt mục tiêu tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 100% kế hoạch; tổng dư nợ cho vay đạt 250 tỷ đồng, hiệu suất sử dụng vốn trên 99%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%; đồng thời tích cực thu hồi nợ đến hạn, đôn đốc nợ quá hạn phát sinh, tiếp tục góp phần thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn theo Nghị quyết HĐND huyện đề ra.
Tìm đến nhà một hộ gia đình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả từ NHCSXH huyện Phúc Thọ, đó là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở cụm 5, xóm Phúc Trạch, xã Võng Xuyên, chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của việc hỗ trợ tín dụng chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Gia đình bà Nguyễn Thị Hải là điển hình của việc sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng dành cho HSSV nghèo. Bà có 3 người con, cả ba đều nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để ăn học. Hiện nay, 2 cô con gái lớn đã học xong, ra trường, có công ăn việc làm ổn định và đều đã lập gia đình, chỉ còn cậu con trai út đang là sinh viên năm cuối Đại học. Tâm sự với chúng tôi, bà Hải kể: “Con gái lớn là Khuất Thị Hường, tốt nghiệp Khoa Kế toán - Đại học Quản trị kinh doanh, hiện đã lấy chồng và công tác tại quê nhà chồng. Con gái thứ hai là Khuất Thị Huệ, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mẫu giáo TW, hiện là giáo viên mầm non tại trường của xã nơi nhà chồng sinh sống. Cậu con trai út Khuất Văn Sơn đang là sinh viên năm cuối Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và chạy chợ nên quả là may mắn khi gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng HSSV này. Nhờ nó, các con được ăn học đầy đủ và giờ có cuộc sống ổn định. Gia đình chúng tôi cảm ơn Nhà nước nhiều lắm!”.
Bài và ảnh Việt Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Dựng cơ nghiệp từ đồng vốn chính sách
- » Không để vốn “đi lạc” đối tượng vay
- » Đổi mới ở Sơn Hòa
- » Tạo động lực giúp người nghèo trên quê Bác vượt khó
- » “Việc nào có lợi cho hội viên thì Hội Nông dân “xắn tay” vào để làm”
- » Hội CCB Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng ủy thác
- » Thoát nghèo ở nơi ít mưa, nhiều nắng
- » Nông thôn đổi mới nhờ có đồng vốn ưu đãi
- » Các ngân hàng sẽ tài trợ cho khu vực Tây Nguyên 15.000 tỷ đồng
- » Vốn vay ưu đãi tạo động lực giúp phụ nữ làm giàu