Nghệ An nâng cao năng lực hoạt động nhằm phát triển bền vững NHCSXH

26/10/2014
(VBSP News) Sau 12 năm thành lập, cùng với cả nước, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã làm tốt vai trò là đầu mối tập trung nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo Ảnh: Cao Ca - VTV

Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo
                                                                                                                                                     Ảnh: Cao Ca - VTV

Tổng dư nợ của chi nhánh đến nay đạt 6.188 tỷ đồng, với 321 nghìn khách hàng dư nợ. Nguồn vốn chủ yếu tập trung đầu tư cho đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 83% tổng dư nợ; các đối tượng chính sách khác chiếm tỷ lệ 17%. Vốn vay đã tạo điều kiện cho 940 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống, nhờ đó đã có hàng trăm ngàn hộ nghèo có sự cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, trên 70 nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo; trên 26 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 179 nghìn HSSV được vay vốn đi học và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vùng khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,15% năm 2003 còn 7,68% năm 2005 (giai đoạn 2001 - 2005); từ 27,14% năm 2006 còn 12% năm 2010 (giai đoạn 2006 - 2010) và từ 22,89% năm 2011 còn 13,4% năm 2013 (giai đoạn 2011 - 2015). Kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định nguồn lực đầu tư của Chính phủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện là giải pháp quan trọng kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tự vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Trong những năm qua, Ban đại diện HĐQT các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Bên cạnh đó, mạng lưới hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phù hợp với mạng lưới hoạt động của NHCSXH từ cấp Trung ương, đến tận xã, thôn, bản nên trong công tác phối hợp thực hiện rất thuận lợi và có hiệu quả. Các tổ chức nhận ủy thác đã thực hiện tốt nhiệm vụ thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay thông qua các hoạt động tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn người vay cách thức làm ăn, kiểm tra giám sát chặt nguồn vốn tín dụng.

Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo. Các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm vào cuộc chỉ đạo cấp dưới và các ngành liên quan phối hợp tốt với NHCSXH trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, để người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ; phát huy sức mạnh của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong công cuộc giảm nghèo; huy động nguồn lực tại địa phương để thực hiện cho vay ưu đãi các đối tượng chính sách đặc thù tại địa phương từ nguồn vốn ngân sách địa phương và của các nhà tài trợ.

Để phát triển bền vững NHCSXH góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tác giả xin đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện mô hình tổ chức. Nhằm tăng cường vai trò trách nhiệm lãnh đạo, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở cần bổ sung Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện như một số tỉnh đã thực hiện thí điểm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống NHCSXH: Hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ của NHCSXH tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, được đào tạo có hệ thống, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về hoạt động ngân hàng. Để khắc phục vấn đề này, NHCSXH cần đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và đặc biệt hết sức quan tâm công tác giáo dục, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ.

Trong tương lai đối tượng khách hàng là hộ nghèo sẽ giảm dần và chủ yếu chỉ tập trung vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ khách hàng là các đối tượng chính sách khác sẽ tăng lên, chủ yếu tập trung vào các nhóm đối tượng cho vay vốn để phục vụ cho quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn, phục vụ cho công nghiệp hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn do quá trình đô thị hóa. Do đó, về đối tượng phục vụ trong những năm tiếp theo một mặt NHCSXH tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn; mặt khác cần mở rộng, tập trung vào nhóm đối tượng chính sách khác như: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình ở vùng nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận tín dụng tại các Ngân hàng thương mại, với mức vay phù hợp và lãi suất thị trường.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn hiện nay quan hệ phối hợp với NHCSXH là nhận làm một số khâu công việc để được hưởng quyền lợi là tiền phí ủy thác, tiền hoa hồng trên cơ sở ký kết hợp đồng ủy thác đối với tổ chức chính trị - xã hội, hay là hợp đồng ủy nhiệm đối với Tổ tiết kiệm và vay vốn. mối quan hệ phối hợp đó còn rất lỏng lẻo về mặt pháp lý. Nên chăng cần phải có văn bản pháp lý quy định cụ thể hóa về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động của NHCSXH. Có như vậy các tổ chức này mới nâng cao vai trò trách nhiệm và chất lượng hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ.

NHCSXH và các tổ chức nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn phải phân định cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ của các bên, từ đó sẽ nâng cao tính chủ động trong công tác lập kế hoạch, tổ chức triển khai công việc; tránh sự chồng chéo, lẫn lộn công việc dẫn đến lẫn lộn trách nhiệm.

Trần Khắc Hùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác