Một số ý kiến về hoạt động của NHCSXH

25/10/2014
(VBSP News) Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam đã từng được xếp vào một trong những nước có thu nhập thấp trên thế giới. Số lượng người nghèo và đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách đông đặt ra yêu cầu bức thiết phải giảm nghèo và giải quyết các vấn đề chính sách. Cả nước đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế nói chung và hỗ trợ người nghèo nói riêng. Ngân hàng Phục vụ người nghèo được thành lập và hoạt động từ năm 1995 là một trong những biện pháp đó.
Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo Ảnh: Lê Cường

Tín dụng chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo
                                                                                                                                                  Ảnh: Lê Cường

Giảm nghèo là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam đã và đang tập trung được sức mạnh để thực hiện thành công mục tiêu này. Sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế trong gần 20 năm qua là nhân tố chủ chốt tạo nên thành công của công cuộc giảm nghèo. Sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiêp tư nhân, hàng loạt chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn được ban hành, vốn đầu tư cho khu vực này được gia tăng… đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục triệu người.

Các chính sách và nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được triển khai nhanh và rộng khắp. Ví dụ miễn giảm tiền học phí, tiền chữa bệnh, được dạy nghề, đi lao động nước ngoài, được vay vốn với lãi suất thấp… Các Quỹ và các TCTD được Nhà nước tổ chức nhằm thực hiện hỗ trợ tài chính với các hình thức khác nhau. Trong đó, NHCSXH là tổ chức tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay với quy mô lớn nhất có mạng lưới chi nhánh, Phòng giao dịch ở các địa phương.

Với mô hình Hội đồng quản trị gồm đại diện Lãnh đạo NHNN, các Bộ, ngành liên quan, cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể NHCSXH tổ chức tốt mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các địa phương rất đông đảo. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham gia tuyên truyền giải thích chính sách tín dụng của Nhà nước, bình xét người nghèo và đối tượng chính sách, tham gia kiểm soát việc sử dụng vốn vay, thúc đẩy người vay trả nợ… Hệ thống mạng lưới và phương pháp tổ chức giao dịch này đã góp phần quan trọng chuyển vốn tín dụng đúng tới người vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng người nghèo, giảm rủi ro…

NHCSXH được tổ chức nhằm thực hiện chính sách tín dụng xã hội của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách. Ngân hàng vận hành theo chính sách tín dụng của Nhà nước. Do vậy, thay đổi trong chính sách tín dụng Nhà nước sẽ thay đổi ngân hàng. Đồng thời, cần đánh giá khách quan mọi mặt ngân hàng để từ đó hoàn thiện hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước.

Trước hết, tín dụng chính sách của Nhà nước là tổng thể những mục tiêu và biện pháp thực hiện mục tiêu đó của Chính phủ trong lĩnh vực tín dụng. Tại Việt Nam, tín dụng chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư phát triển (tín dụng đầu tư phát triển), một số chương trình xuất nhập khẩu (tín dụng xuất nhập khẩu), và chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có giảm nghèo, phát triển nông thôn…

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, diễn ra vào ngày 11/2/2014, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đánh giá cao việc xây dựng và thực hiện các chính sách về giảm nghèo từ Trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn nhiều; nhiều chính sách còn chồng chéo, trùng lắp, dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng hưởng thụ chưa cao, chưa rõ nét. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, chính sách giảm nghèo hiện tản mát. Như việc có nhiều Quyết định riêng rẽ cho các đối tượng thanh niên, phụ nữ, nông dân… Nguồn lực vì thế bị phân tán, thậm chí mâu thuẫn.

Với nguyên tắc cơ bản là hoàn trả, vốn tín dụng chỉ được cấp đối với các đối tượng có nguồn thu trực tiếp, đủ để trả toàn bộ gốc và lãi. Mặc dù, mục tiêu của Nhà nước là xóa đói, giảm nghèo, giảm cách biệt giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, song tín dụng Nhà nước lại phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ gốc. Với người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn - nơi không thuận lợi cho việc sản xuất - hoặc người cực nghèo, việc cho vay với số tiền ít ỏi rất khó giúp họ thoát nghèo, không có cơ sở kinh tế cho việc thu hồi vốn vay, trong khi chi phí cho vay cao.

Theo báo cáo của WB - Tổng Cục thống kê, tỷ lệ nghèo năm 2010 theo chuẩn nghèo mới là 20.7% và 8% nghèo cùng cực. Bức tranh nghèo cập nhật cho thấy rất nhiều nhân tố đặc trưng của người nghèo ở thập kỷ 90 vẫn tiếp tục đặc trưng cho người nghèo trong giai đoạn hiện nay: Đó là trình độ học vấn thấp và hạn chế về kỹ năng làm việc, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc, cô lập về địa lý và xã hội, chịu những thiệt thòi mang tính đặc thù dân tộc, cũng như chịu thiên tai và các rủi ro… Các nhóm dân tộc thiểu số chiếm tới 47% tổng số người nghèo và 68% người nghèo cùng cực. Vào năm 2010, chỉ một nửa số người nghèo cùng cực đủ tiêu chuẩn thụ hưởng trợ cấp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Nguồn vốn hoạt động của NHCSXH phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước và vay từ các Ngân hàng thương mại (theo quy định hiện nay, các Ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc Ngân hàng TMCP Nhà nước chi phối phải gửi 2% số dư tiền gửi huy động được vào NHCSXH). Số vốn huy động tiết kiệm của NHCSXH rất thấp, một phần do chính sách sản phẩm và lãi suất kém đa dạng, không hấp dẫn. NHCSXH khó cạnh tranh với Ngân hàng thương mại trong huy động vốn tại các thành phố, thị trấn. Hơn nữa, do lãi suất cho vay được Nhà nước xác định, cấp bù của ngân sách rất khó gia tăng nhiều, nên việc huy động trên thị trường (với lãi suất cao) sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của ngân hàng. Điều này lý giải NHCSXH được đánh giá thấp trong các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam trong huy động tiền gửi.

Mặc dù doanh thu lãi của ngân hàng lớn hơn chi phí huy động, nhưng chi phí ngoài lãi lớn, dẫn đến kết quả tài chính âm. Ngân sách cấp bù chiếm đến 78,5% chi phí hoạt động (chi phí ngoài lãi). Trong khi trích dự phòng tổn thất chưa thực sự dựa trên đo lường rủi ro.

Mặc dù NHCSXH được đánh giá cao về hiệu quả chi phí (chi nhân viên/số khách hàng vay vốn thấp nhất trong các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam), song các kết quả tài chính đang đặt ra cho ngân hàng những thách thức về phát triển bền vững.

NHCSXH cần vận dụng cách thức quản trị rủi ro (rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp) hiện đại mà các Ngân hàng thương mại đang triển khai. Quản trị rủi ro hiện đại - với trọng tâm đo lường và đưa ra các biện pháp quản trị - không phụ thuộc đó là tổ chức tín dụng chính sách hay không. Việc phân loại nợ và trích dự phòng có thể thay đổi sao cho phù hợp với tính chất khách hàng - người nghèo, không có tài sản đảm bảo, dự án ít khả thi, rủi ro cao… Ngoài tính chất “nợ quá hạn” của món vay, có thể bổ sung tính chất khác như 3 năm không thoát được nghèo, hoặc thu nhập không tăng, tái nghèo, mắc tệ nạn xã hội, thất nghiệp, đông con, ốm đau… để phân loại nợ thành nhiều mức độ rủi ro khác nhau, làm cơ sở trích dự phòng tổn thất.

Phát triển dịch vụ ủy thác là nội dung trong Chiến lược phát triển của NHCSXH. Với mạng lưới rộng, “chân rết” đông đảo, có kinh nghiệm và cơ sở vật chất kỹ thuật cho dịch vụ tài chính, ngân hàng có thể thực hiện rất hiệu quả dịch vụ tài chính ủy thác cho Nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Chính phủ thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần tập trung ủy thác qua NHCSXH để tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Việc tập trung ủy thác sẽ dẫn tới tập trung nguồn lực và phân bổ nguồn lực chuẩn xác (ví dụ ngân hàng sẽ nắm rõ hộ nghèo đó vừa được vay sản xuất, vừa được vay cho con đi học, vừa được hỗ trợ xây nhà… từ đó có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý). Nhiều tổ chức nước ngoài cũng tham gia tài trợ theo nhiều chương trình, dự án cho Việt Nam, như giảm nghèo, bảo vệ rừng, phát triển giới,… và luôn tìm các đối tác tin cậy để ủy thác. Đấy là điều kiện thuận lợi cho NHCSXH nếu ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu. Ở trong nước, hàng năm chúng ta thực hiện rất nhiều chương trình ủng hộ “vì người nghèo”, “giúp đỡ đồng bào vùng lũ”, “xây trường tiểu học”…, các đơn vị quyên góp được tiền - dù ít dù nhiều - đều cử một đoàn đến một địa phương nào đó, trao số tiền cho chính quyền để chia cho người dân. Chi phí đi lại lãng phí, hơn nữa, việc kiểm soát sử dụng số tiền đó như thế nào,… đều là vấn đề mà người ủng hộ suy nghĩ. NHCSXH cần đáp ứng yêu cầu của người ủng hộ, minh bạch hoạt động này để phát triển hoạt động ủy thác cho vay, giải ngân cho các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.

NHCSXH góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động và thành công của NHCSXH được tạo nên bởi chính sách tín dụng xã hội đúng đắn của Chính phủ cũng như nỗ lực của ngân hàng, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

PGS; TS. Phan Thị Thu Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác