Vốn ưu đãi “trợ lực” cho hộ nghèo ở Lý Sơn

26/06/2015
(VBSP News) Những năm qua, bên cạnh nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Nông dân đảo Lý Sơn đang chăm sóc tỏi

Nông dân đảo Lý Sơn đang chăm sóc tỏi

Huyện đảo Lý Sơn nằm về hướng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, gồm 2 đảo và 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình, có tổng diện tích 10km2, dân số 22.000 người, trong đó 40% dân số theo nghề khai thác hải sản và đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm; 35% dân số làm nghề nông nghiệp (chủ yếu là trồng hành, tỏi) và 25% làm nghề dịch vụ, thương mại.

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã và đang giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và những đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển vào ngành kinh tế động lực và đem lại hiệu quả kinh tế của huyện là khai thác thủy sản và trồng hành, tỏi. Dư nợ tín dụng của NHCSXH tại huyện Lý Sơn đến nay đạt gần 70 tỷ đồng với gần 2.500 lượt hộ được tiếp cận các nguồn vốn vay; dư nợ bình quân 23 triệu đồng/hộ; đặc biệt không có nợ quá hạn.

Điển hình như hộ anh Lê Văn Quang ở xã An Bình, trước kia là ngư dân nghèo, được sự trợ giúp của NHCSXH huyện Lý Sơn, gia đình được vay 30 triệu đồng hộ nghèo. Từ nguồn vốn vay, gia đình anh Quang đã mua thúng nan cùng ngư lưới cụ để đánh bắt cá cơm và câu mực gần bờ. Với nghề này, gia đình anh Quang cũng có thể thu nhập ổn định trong tháng, trang trải phần nào cho cuộc sống khá đắt đỏ trên đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, năm 2007, gia đình anh còn được NHCSXH cho vay ưu đãi chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn cho 2 con học đại học. Nhờ có nguồn vốn từ cho vay chương trình này mà gia đình ông Quang có điều kiện trang trải chi phí học tập cho các con ăn học. Đến năm 2010, các con anh đã ra trường và có việc làm ổn định. Thu nhập từ việc làm của các con cộng thêm tiết kiệm từ việc đánh bắt cá đã giúp gia đình anh trả nợ dần cho ngân hàng; hiện dư nợ từ chương trình cho vay HSSV của gia đình anh chỉ còn gần 11 triệu đồng.

Cũng như các địa phương khác trong vùng bãi ngang ven biển, do chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với đó hoạt động sản xuất của dân cư ven biển không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, khiến nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn cạn kiệt dần, có những nơi khan hiếm nước ngọt như xã Bình An.

“Để có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, trước đây nhà nào trên đảo cũng đào giếng trong vườn để sử dụng, nhưng dần dần nước bị nhiễm phèn ngày càng nặng nên phải lên vùng đồi cao để khoan giếng và dẫn nước về dùng. Nhà nào có điều kiện thì tự mua đường ống, máy bơm và khoan giếng; còn gia đình nào khó khăn thì góp chung vào để đủ tiền khoan giếng dẫn nước về dùng chung. Nhờ có đồng vốn vay mà gia đình đã có vốn lắp đường ống nhựa, đồng hồ, mô tơ nước lấy nước sinh hoạt từ nhà máy nước của xã về gia đình, lọc nước mặn thành nước ngọt để sử dụng; đồng thời, xây khu vệ sinh đạt theo tiêu chuẩn địa phương, đảm bảo hợp vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe”, anh Đặng Hồng Kính, một trong những hộ dân được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phấn khởi chia sẻ với phóng viên.

Ông Bùi Ngọc Hưng - Giám đốc NHCSXH huyện Lý Sơn, cho biết: Để nguồn vốn vay đến tay người nghèo, tạo điều kiện cho họ đầu tư vốn sản xuất, phát triển nghề biển, NHCSXH huyện đã tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đúng nhu cầu để tránh lãng phí nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng thường xuyên cử cán bộ tín dụng xuống khảo sát ở cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn. Hiện nhu cầu vốn tại huyện đảo rất là lớn, trong khi đó, một số chương trình thực hiện mức cho vay còn thấp như cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư để phát triển kinh tế biển đảo tại đây chưa tương xứng với tiềm năng. Đời sống của người dân trên đảo Lý Sơn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, gió bão, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng 16,31% dân số, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Do đó, người dân vùng vương quốc tỏi Lý Sơn cần nhiều trợ lực hơn nữa mới mong có thể giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Theo Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác