Hiệu quả kinh tế từ mô hình bưởi Đoan Hùng

14/07/2015
(VBSP News) Đoan Hùng là huyện trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua nhờ khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương và được NHCSXH tiếp sức, huyện đã phát triển mạnh kinh tế đồi rừng về trồng cây nguyên liệu, phát triển cây chè và cây ăn quả. Trong đó, bưởi được xác định là cây giảm nghèo, cây kinh tế mũi nhọn.
Vườn bưởi đặc sản của một gia đình ở xã Bằng Luân

Vườn bưởi đặc sản của một gia đình ở xã Bằng Luân

Tính đến nay, huyện Đoan Hùng có khoảng 3.300ha keo, 3.000ha chè. Trước đây, cây bưởi không được chú trọng, việc trồng bưởi mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế thấp khiến diện tích bị thu hẹp. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bưởi, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách để đầu tư cho cây bưởi nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, dự án “Phục tráng 1.000ha bưởi đặc sản Đoan Hùng” tại 18 xã phía Bắc của huyện với tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng được triển khai.

Bằng Luân là xã trồng nhiều bưởi nhất huyện Đoan Hùng, với diện tích 167ha đều là giống bưởi đặc sản Đoan Hùng, trong đó, có hơn 90 hộ có vườn bưởi từ 100 cây trở lên đã cho thu hoạch. Năm 2008 và 2009 bưởi ra hoa nhiều nhưng không đậu quả, gây tâm lý chán nản cho nhà vườn. Nhiều gia đình đã muốn chặt bỏ bưởi để trồng cây khác. Trước thực trạng đó, nhằm giúp nông dân có nguồn vốn khắc phục khó khăn, NHCSXH huyện đã kịp thời hỗ trợ vốn, hàng trăm hộ nông dân trồng bưởi đặc sản trên địa bàn đã được tiếp sức. Mỗi hộ được vay từ 20 - 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trồng dặm, trồng mới và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trên cây bưởi.

Ông Đỗ Phúc Thành ở thôn 6, xã Bằng Luân, vui mừng kể: “Nhà tôi có hơn 100 gốc bưởi, tưởng đã mất trắng do thời tiết đầu vụ mưa nhiều quả bưởi rụng hết, nhưng sau đó đợt ra hoa thứ hai nhờ có vốn vay ngân hàng, được đầu tư, chăm sóc kịp thời, tôi thụ phấn bổ sung bằng tay cho cây bưởi. Kết quả, năm đó mỗi cây bưởi có trên 100 quả, 30 triệu đồng vay từ NHCSXH nhanh chóng, kịp thời, không một thủ tục phiền hà, giúp tôi và hàng trăm, hàng ngàn hộ trong xã, trong huyện trồng bưởi Đoan Hùng “thoát hiểm”.

Theo Phòng NNo&PTNT, trên địa bàn huyện hiện có 2 giống bưởi đặc sản là giống bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu; trong đó giống bưởi Sửu cho năng suất 70 quả/cây, bưởi Bằng Luân 90 quả/cây. Giá luôn ở mức từ 15.000 - 20.000 đồng/quả. Mấy năm nay để gia tăng kinh tế, hàng trăm hộ ở các xã Vân Đồn, Chí Đám, Khả Lĩnh… đã mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn (Hà Nội) về trồng thử. Giống bưởi này rất phù hợp với đồng đất đồi gò của huyện trung du, cộng thêm những ưu thế vượt trội, như: bưởi Diễn chỉ trồng sau 3 năm cho thu hoạch với năng suất, chất lượng rất cao so với giống bưởi truyền thống địa phương… nên diện tích tăng nhanh, đã lên tới 400ha và đang tiếp tục được nhân rộng. Tính đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều trồng bưởi với hơn 3.000 hộ tham gia, diện tích đạt 1.580ha; trong đó gần 1.000ha đã cho thu hoạch. Theo số liệu thống kê, năm 2013 sản lượng bưởi trong toàn huyện đạt 7.000 tấn, giá trị đạt gần 170 tỷ đồng; năm 2014 đạt hơn 8.000 tấn, đạt giá trị 200 tỷ đồng. Năm 2015, huyện dự kiến đạt gần 10.000 tấn, giá trị ước đạt khoảng 260 tỷ đồng. Có thể nói, trong phát triển kinh tế đồi rừng ở Đoan Hùng không có loại cây nào đạt hiệu quả kinh tế cao như cây bưởi.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Hòa, tổng dư nợ toàn huyện hiện đạt 244 tỷ đồng. Không có con số cụ thể cho vay trồng mới, chăm sóc cây bưởi, nhưng các xã trồng bưởi nhiều như Bằng Luân có 400/700 hộ vay vốn NHCSXH; xã Bằng Doãn 50% số hộ trồng bưởi, 80% - 90% số hộ phát triển kinh tế đồi rừng, là một trong những vùng chè, bưởi hàng hóa của huyện có dư nợ NHCSXH 5,6 tỷ đồng với 320 hộ vay. Nhiều xã ở vùng núi như Hùng Quan, bà con dân tộc Cao Lan mới phát triển cây bưởi, kết hợp trồng rừng, nuôi lợn có dư nợ tới 12 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Thu, cho biết: “Hiệu quả từ chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được khẳng định, cây bưởi đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây bưởi. Từ tháng 2/2006, sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu Bưởi Đoan Hùng - hương vị đất tổ”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác