Tiếp vốn thoát nghèo bền vững
Chị Vàng Thị Sinh ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà (Lào Cai) chẳng còn nhớ mình đã được vay vốn bao nhiêu lần từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo và sau này là Ngân hàng Chính sách xã hội. Hành trình bước qua ngưỡng hộ nghèo cuối năm 2014 phải mất hơn mười năm từ khi gia đình chị còn được vay với mức 2,5 triệu đồng, 5 triệu đồng,10 triệu đồng rồi 20 triệu đồng. Cũng bởi mảnh đất này không chỉ hạn hẹp về diện tích canh tác mà nguồn nước còn khan hiếm, phụ thuộc nắng mưa, nên nếu không có vốn phát triển chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng, hay phát triển nghề phụ thì việc trồng hoa màu chưa đủ ăn, đừng nói gì đến chuyện tích lũy. Ngay như với gia đình chị Sinh, với 1.200m2 trồng lúa cho 6 nhân khẩu, hằng năm chị vẫn phải mua thêm từ 6 - 7 tạ thóc, tương đương với số lúa thu hoạch được. Dù có tới bốn lao động vừa làm ruộng vừa tranh thủ những ngày nông nhàn làm công ở thị trấn nhưng thu nhập của cả gia đình chị cũng chỉ ngót nghét 5 triệu đồng/tháng, chắt chiu lắm cũng chỉ dành dụm được non nửa. Nếu không có đồng vốn chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ đôi lợn, con trâu, con bò từ mười năm trước để từ đó gia đình có nguồn thu tích góp lo cho các con ăn học, chắc giờ này gia đình chị khó có thể có những tiện nghi trong nhà như tivi, xe máy…
Bước qua cái nghèo cuối năm 2014, ước mơ thay ngôi nhà đất cũ, làm cái phòng riêng cho vợ chồng thằng cả, rồi tới đây là thằng thứ hai cưới vợ lại được nhen lên khi chị Sinh tiếp tục được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản, xuất kinh doanh vùng khó khăn. Cùng với vốn tự có do dành dụm, chắt chiu, gia đình chi Sinh lại bắt tay vào mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình để hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Ông Nguyễn Hải Hà - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai, cho biết: “Lào Cai là một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn. Toàn tỉnh có 3/8 huyện thuộc diện 30a và 3 huyện thuộc vùng khó khăn. Nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo còn 40 - 50%. Vì vậy, tín dụng chính sách, cho vay giảm nghèo là câu chuyện mang tính dài hạn”.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hải Hà, thoát nghèo chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn, là làm sao để những hộ dân đã thoát nghèo không còn tái nghèo. Ở địa bàn miền núi như Lào Cai chỉ một trận rét đậm, rét hại hay lũ quét có thể xóa đi thành quả lao động của người dân nhiều năm trước đó, công cuộc giảm nghèo đã khó nay càng thêm khó. Công việc của cán bộ tín dụng không chỉ là cho vay đủ, thu lãi mà còn phải dành vào đó tâm huyết mới có thể thấy và thấu hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng vay vốn, để từ đó có những hành xử không chỉ đúng mà còn hợp tình người…
Đề cập tới sự khó khăn của địa hình và gian nan đòi nợ, ông Hà cũng không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại một lần đi thu hồi nợ. Đi gần nửa ngày đường mới đến được hộ để thu hồi tài sản cho vay thì mới biết, cả nhà đang trông chờ vào con trâu nái được hình thành từ vốn ngân hàng. Quá hạn rồi nhưng vì trâu chưa sinh sản, bán trâu đi thì lỗ nên họ cứ khất lần trả nợ. Nhìn cái cảnh gần giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, đứa trẻ con của nhà ấy nhất khoát không chịu buông con trâu cứ ôm cái đầu trâu mà khóc “các bác đừng lấy mất trâu của nhà cháu” cả đoàn ai cũng cay cay mắt. “Thế là mình đành phải quyết định về không, cho họ thêm một cơ hội. Họ vì khó mà không trả nợ chứ không phải chây ỳ”, ông Hà nhớ lại. Và cũng chính từ sự cảm thông, thấu hiểu của những cán bộ tín dụng mà người dân nơi đây đã có thêm cơ hội thoát nghèo, sử dụng đồng vốn hiệu quả để vươn lên làm giàu.
Bài toán tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 đạt dư nợ 2.000 tỷ đồng cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ khi 253 tỷ đồng nguồn vốn cho vay hộ nghèo đến hạn và kế hoạch tăng trưởng dư nợ 104,3 tỷ đồng. Song với Giám đốc Nguyễn Hải Hà và anh em trong chi nhánh, họ vẫn có thêm nhiều nguồn vốn nữa bởi thực tế hiện nay ngoài đối tượng hộ nghèo, còn nhiều đối tượng của các chương trình tín dụng chính sách khác muốn vay nhưng chưa đủ vốn như chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm…
Dù biết thêm vốn, cán bộ thêm việc, song với họ điều quan trọng hơn là những con số hộ nghèo mỗi năm một giảm, thu nhập người dân tăng và những người dân nơi đây không phải di cư tự do, đi làm thuê nơi đất khách quê người mà có thể thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Việt Phong
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm sáng vùng Tây Bắc
- » Văn Chấn phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
- » Phụ nữ Tà Cạ tích cực giúp nhau thoát nghèo
- » Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Khánh Hòa
- » Hiệu quả kinh tế từ mô hình bưởi Đoan Hùng
- » Tín dụng chính sách nơi cổng trời
- » Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- » Hết cảnh nghèo từ 10 triệu đồng vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách góp phần cải thiện môi trường nông thôn
- » Thiết thực đưa vốn chính sách đến hộ nghèo ở Cao Bằng