Đổi thay ở vùng đất đỏ Cư Suê

17/07/2015
(VBSP News) Nguồn vốn của NHCSXH được các già làng, trưởng buôn trên miền đất đỏ Bazan huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) ví như dãy núi làm điểm tựa vững chắc, giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc ở khu vực Tây Nguyên thoát cảnh nghèo khó, dựng xây cuộc sống tươi vui, no đủ.
Anh HNhơn chăm sóc vườn cà phê của gia đình

Anh HNhơn chăm sóc vườn cà phê của gia đình

Lãnh đạo NHCSXH huyện Cư Mgar cho biết, trong hơn 12 năm qua, đơn vị đã chuyển tải vốn kịp thời nguồn vốn ưu đãi tới tất cả 17 xã, thị trấn tại địa bàn, với tổng dư nợ đến nay đạt trên 230 tỷ đồng. Nguồn vốn của NHCSXH được ví như dòng nước mát tưới lên mảnh đất đỏ Bazan đang khô cằn, để hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ động sản xuất, thâm canh các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cải thiện môi trường miền núi…

Cùng các cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Cư Mgar, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh HNhơn, dân tộc Ê Đê, ở thôn 4, xã Cư Suê. Anh HNhơn cho biết, cách đây 5 năm, chính nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ được thực hiện qua NHCSXH đã thay đổi cuộc sống của gia đình anh. Hồi đó, sẵn có 2ha đất, cùng với chút vốn dành dụm được và 30 triệu đồng vay ưu đãi của NHCSXH, anh HNhơn đã đầu tư trồng cà phê. Đến nay, gia đình anh trở thành một trong những hộ điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả với khoản thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, trở thành hộ thoát nghèo.

Hay như hộ chị Y Nên ở xã Cư Suê cũng thoát nghèo nhanh nhờ biết cách sử dụng đồng vốn của NHCSXH. Năm 2011, qua tổ chức hội, đoàn thể và tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Y Nên được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Sau khi đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng, đến tháng 9/2014, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét vay tiếp 48 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo theo quy định mới của Nhà nước.

Với quyết tâm thoát nghèo bền vững và nhờ có vốn chính sách làm “bà đỡ” vợ chồng chị Y Nên đã quyết định đầu tư nuôi bò sinh sản. Đến nay gia đình chị Y Nên đã có đàn bò gồm 5 con bò và 7 con bê. Từ một hộ nghèo, nay cuộc sống gia đình đã khá hơn, bản thân chị Y Nên trở thành tấm gương về tinh thần vượt khó, sử dụng hiệu quả vốn vay chính sách. “Nguồn vốn của NHCSXH thiết thực cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên lắm. Mỗi con bò mà gia đình tôi mua về khoảng hơn 10 triệu đồng, chỉ sau vài tháng chăm sóc tốt là đẻ được 1 con bê và nuôi bê khoảng 1 năm lại bán được 18 - 20 triệu đồng”, chị Y Nên phấn khởi khoe.

Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi, để đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Cư Suê thay đổi còn có vai trò của chính quyền địa phương và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Anh Y Đinh Ê Ban là một trong những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở buôn Sút MĐưng. Suốt 8 năm liên tục làm Tổ trưởng, anh Y Đinh Ê Ban luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, lồng ghép với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại tổ của anh có 46 thành viên, sử dụng trên 1 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và không có trường hợp hộ dân nào nợ quá hạn hay chậm nộp lãi.

Tổ trưởng Y Đinh Ê Ban cho biết: “Nhiều hộ trong buôn làng đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ. Bà con rất phấn chấn vì vừa mới đây trong tổ có 5 hộ nghèo, hộ cận nghèo được NHCSXH huyện Cư Mgar xét duyệt cho vay bổ sung 50 triệu đồng/hộ. Đây sẽ là cơ hội để cho người dân trong buôn Sút MĐưng nói riêng và trong vùng đất Tây Nguyên chúng tôi thay da, đổi thịt”.

Hoàng Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác