Động lực từ chương trình cho vay hộ cận nghèo

15/07/2015
(VBSP News) Sau 2 năm triển khai thực hiện, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo đã tạo động lực cho các hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Từ vốn vay hộ cận nghèo, gia đình anh chị Bùi Thị Yên đầu tư chăn nuôi bò từng bước thoát nghèo

Từ vốn vay hộ cận nghèo, gia đình anh chị Bùi Thị Yên đầu tư chăn nuôi bò từng bước thoát nghèo

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh chị Bùi Thị Yên ở xóm Nội, xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn. Gia đình anh chị có 4 khẩu, trước đây là hộ nghèo của xã. Năm 2011, được vay 15 triệu đồng chương trình hộ nghèo mua 2 con bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2013 đã thoát nghèo và trả hết nợ. Mới đây lại được vay 20 triệu đồng hộ cận nghèo mua thêm 2 con bò. Đến nay đàn bò phát triển lên 9 con. Xét theo tiêu chí mới thì gia đình anh chị đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Để thoát nghèo bền vững, gia đình anh chị cùng nhiều hộ cận nghèo khác trong xã rất muốn tiếp tục được vay thêm nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Độc Lập là xã khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã còn cao, chiếm tới trên 50%. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo tại địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Xã Độc Lập hiện có 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 10 tỷ đồng cho 379 hộ vay 8 chương trình tín dụng chính sách.

Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể  rà soát các hộ nằm trong diện được vay để lập danh sách đề nghị NHCSXH huyện cho vay. Việc xét duyệt các tiêu chuẩn vay vốn được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ, cũng như tăng cường trách nhiệm giữa các thành viên. Trong hoạt động ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Tổ trưởng cùng các thành viên đều có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác trong việc sử dụng vốn. Trước ngày đến hạn, cán bộ tổ đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở, nắm bắt tình hình. Nếu có khó khăn đột xuất không trả đúng hạn sẽ cùng phối hợp với ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, giải quyết kịp thời. Các tổ còn tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả. Từ thực tế các mô hình vay vốn cho thấy, chương trình tín dụng hộ cận nghèo ngày càng hiệu quả thiết thực, gắn liền với đời sống dân sinh của người dân.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hoà Bình, cho biết: Cho hộ cận nghèo vay vốn không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm, bởi có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững. Bởi lẽ trước đây chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn ưu đãi đã thoát nghèo nhưng không bền vững, bởi chỉ cần gặp một ít rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Chính vì thế, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất đối với một số chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, NHCSXH cũng hướng dẫn về việc thực hiện cho vay đối với hộ cận nghèo, lãi suất giảm từ 0,72%/tháng xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm).

Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực. Đến nay, dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo của toàn tỉnh Hoà Bình đạt trên 95 tỷ đồng, với gần 13.000 khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, để đồng vốn cho vay hộ cận nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn được cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành động lực giúp cho những hộ cận nghèo nâng cao đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành “cú hích” giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Bài và ảnh Đinh Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác