Tiết kiệm để Xuân về, Tết đến được vui hơn

06/02/2016
(VBSP News) Cho đến mùa xuân này, các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV, NS&VSMTNT, mua trả chậm nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL... được NHCSXH tỉnh Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả, hầu hết các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn là nhờ đơn vị đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nổi bật là việc vận động hộ vay gửi tiền tiết kiệm nhằm tạo nguồn trả nợ khi đến hạn.
Chị Phạm Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm 5, thị trấn Lai Vung nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên

Chị Phạm Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm 5, thị trấn Lai Vung nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên

Thời gian gần đây, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, 50 tuổi, ở khóm 5, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) luôn thực hiện tốt nhiệm vụ trả lãi và gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Do điều kiện gia đình còn khó khăn (từ hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo) nên khi được chính quyền địa phương và NHCSXH huyện Lai Vung tiếp tục cho vay hộ cận nghèo thì gia đình chị càng quyết tâm chí thú làm ăn nhằm sớm vươn lên có cuộc sống ổn định. Nhờ biết chi tiêu tiết kiệm nên hàng tháng, chị Phượng có tích lũy và tự nguyện gửi tiết kiệm bình quân khoảng 200 nghìn đồng. Chị Phượng cho rằng việc “tích tiểu thành đại” trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình trong việc trả nợ ngân hàng mỗi khi đến hạn.

“Mặc dù điều kiện gia đình còn khó khăn nhưng nhờ tiền gửi tiết kiệm nên đã tích lũy được số tiền khá lớn để trả nợ số tiền vay 15 triệu đồng trong thời gian tới. Việc gửi tiết kiệm được nhiều hộ vay hưởng ứng tích cực, trong đó có gia đình tôi”, chị Phượng bộc bạch. Không riêng gì gia đình chị Phượng, mà với ý thức dành dụm và tích lũy, 32 thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn của khóm 5, thị trấn Lai Vung do chị Phạm Thị Hồng làm Tổ trưởng đã tham gia vào hình thức này. Đến nay, số tiền mà các thành viên tiết kiệm tại Tổ tiết kiệm và vay vốn bình quân trên 5 triệu đồng/tháng.

Chị Phạm Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm 5, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết: “Khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ đã thống nhất bàn bạc và triển khai đến các thành viên trong tổ gửi tiết kiệm. Tùy vào điều kiện gia đình mà gửi tiết kiệm, do đó hộ gửi thấp nhất là 50 nghìn đồng/tháng còn hộ gửi cao nhất 500 nghìn đồng/tháng. Với số tiền tiết kiệm trên, trường hợp tổ viên gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng thì tổ sẽ sử dụng nguồn vốn tiết kiệm để giúp tổ viên trả nợ, từng bước giải quyết khó khăn. Tương tự, thông qua việc gửi tiền tiết kiệm tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã từng bước tạo cho các hộ vay, nhất là các hộ thuộc diện khó khăn có ý thức tiết kiệm để tự tạo vốn, nhằm giải quyết những khó khăn đột xuất, cũng như từng bước làm quen với hoạt động tín dụng, tài chính”. Chị Võ Thị Xuân ở khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung cho biết, khi mới vay số tiền 20 triệu đồng hộ cận nghèo cũng cảm thấy lo khi trả nợ, nhưng nhờ gửi tiết kiệm hàng tháng nên đến kỳ trả nợ thì có được vốn để thanh toán tiền vay. Việc gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ giúp nhiều người nghèo có điều kiện thuận lợi khi trả nợ đến hạn.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Lai Vung, Lê Thanh Tùng - thời gian đầu việc triển khai thực hiện cũng gặp khó khăn do nhận thức, thói quen của hộ nghèo về tiết kiệm còn hạn chế. Tuy nhiên, đơn vị đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người vay bằng nhiều hình thức như cử cán bộ ngân hàng, cán bộ hội, đoàn thể tham gia họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền đến người vay vốn qua các phiên giao dịch… Nhờ vậy, đến nay đơn vị có số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất so với các đơn vị khác trên địa bàn với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng của 355/355 tổ có số dư tiền gửi tiết kiệm.

Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo, nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn tỉnh có 3.863/3.876 Tổ tiết kiệm và vay vốn được uỷ nhiệm huy động tiền gửi tiết kiệm với tổng số tiền trên 52 tỷ đồng, từng bước tạo thói quen tiết kiệm gắn với trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả mục tiêu mở rộng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Bài và ảnh Hồng Cúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác