Tam Đảo nỗ lực giảm nghèo

29/01/2016
(VBSP News) Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) triển khai trong thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, có tác động mạnh mẽ đến đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện để hộ vay cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Hiệu quả từ đồng vốn đem lại cho nông dân Tam Đảo

Hiệu quả từ đồng vốn đem lại cho nông dân Tam Đảo

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Tam Đảo phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát hộ nghèo các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đến hết năm 2015 tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 259 tỷ đồng với 11.000 hộ còn dư nợ.

Ngoài việc tổ chức cho hộ dân vay vốn phát triển kinh tế, NHCSXH huyện Tam Đảo còn phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất. Đồng thời, vận động ngườidân tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất đạt hiệu quả cao. Nhờ được đào tạo kiến thức cùng với thuận lợi trong việc bố trí nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư vào SXKD, chăn nuôi, lập trang trại, vườn rừng, vườn.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình nghèo và hộ cận nghèo bước đầu cải thiện được cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi ở các địa phương như chăn nuôi gà ở Tam Quan; bò sinh sản, bò sữa, trồng na ở Bồ Lý; trồng rau su su ở Hồ Sơn và thị trấn Tam Đảo.

Anh Đỗ Văn Hiếu thôn Cầu Chang, xã Bồ Lý cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo nên được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Nhiều năm nay, tôi bị thận nên sức khỏe yếu không làm nặng nhọc được. Do đó, tôi đã đầu tư vốn vay vào nuôi bò sinh sản và thường xuyên ở nhà giúp vợ chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”. Vay được vốn, gia đình anh Hiếu đã mua thêm 1 con bò sinh sản và một lợn nái. Như vậy, gia đình anh Hiếu đã có tổng số 2 bò sinh sản. Con bò do gia đình anh Hiếu mới mua về vừa được phối giống, dự kiến trong năm nay gia đình sẽ có thêm 1 con bê. Với 2 bò sinh sản, hiện nay, mỗi năm, gia đình anh Hiếu có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính và là tài sản lớn đối với gia đình anh Hiếu. Chính vì vậy, anh rất quan tâm và coi trọng việc chăm sóc đối với cặp bò này. Anh cho biết: Bò là con vật nuôi truyền thống của người dân địa phương nên việc chăm sóc và theo dõi, điều trị một số bệnh trên bò dễ hơn những vật nuôi khác. Mặt khác, việc chăn nuôi bò không quá vất vả, hiệu quả kinh tế khá nên tôi luôn yên tâm và tin tưởng khi đầu tư toàn bộ nguồn vốn vào nuôi bò”.

Gia đình ông Lương Văn Tiếp ở thôn Đồng Thành, xã Yên Dương là một trong những hộ điển hình về việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Sau khi được vốn vay chính sách, cộng với sự giúp đỡ từ anh em, bạn bè, tính toán kỹ, gia đình ông đã quyết định đầu tư làm kinh tế tổng hợp với việc nuôi tằm, trên 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 100 con lợn con, trồng 5 sào rau, ớt và bí xanh cộng với dịch vụ thu gom vận chuyển rau xanh của nhân dân trong vùng đi các tỉnh thành khác. Trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ sự cần cù lao động, năm 2013 gia đình ông đã được xóa khỏi danh sách các hộ nghèo và xây dựng được cơ ngơi khang trang.

Hộ gia đình anh Hiếu hay ông Tiếp chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tam Đảo chỉ còn hơn 6%, giảm 6% so với năm năm 2012.

Để tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chính sách, Phó Giám đốc NHCSXH huyện, Nguyễn Đức Toàn cho biết: “Trong thời gian tới sẽ tập trung lực lượng, nỗ lực “tăng tốc”, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tập trung tích cực cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại xã nghèo và thôn đặc biệt khó khăn”.

Bài và ảnh Thanh Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác