Tín dụng chính sách trên quê lúa Thái Bình
Ngay từ đầu năm 2015, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã chủ động phân bổ nguồn vốn các chương trình theo đúng quy định, kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn hộ vay làm hồ sơ cho vay vốn mới và vốn quay vòng một cách kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành phố duy trì đều đặn phiên trực giao dịch cố định hàng tháng tại các xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu vay vốn, mọi thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi, thủ tục vay vốn tại NHCSXH đều được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở với sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Đối tượng vay vốn do các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, xóm tổ chức bình xét công khai, bảo đảm minh bạch, dân chủ.
Với sự vào cuộc tích cực đó, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Thái Bình đạt hơn 2.224 tỷ đồng, tăng 127,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, nguồn vốn ủy thác từ địa phương đạt trên 15 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt gần 2.223 tỷ đồng, với 107.400 hộ còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ.
Đồng vốn chính sách đã trở thành nguồn động viên lớn, là trợ lực giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Năm 2015, đã có 37.671 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp 3.508 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho 1.537 lao động, 1.568 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập, xây dựng 17.861 công trình nước sạch và 17.777 nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 8,12% năm 2011 xuống còn 2,9% vào cuối năm 2015.
Gia đình anh Hoàng Đình Hảo ở thôn Tân Tiến, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà là một trong những thành viên vay vốn ưu đãi của Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn do Hội Phụ nữ quản lý mang lại hiệu quả cao. Anh Hảo phấn khởi cho biết: “NHCSXH huyện Hưng Hà tạo điều kiện cho vay vốn NS&VSMTNT và hộ cận nghèo, gia đình tôi rất phấn khởi bởi thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Từ nguồn vốn vay đó, gia đình tôi đã tập trung cải tạo công trình vệ sinh và đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình thường xuyên nuôi 40 con lợn thịt và lợn nái, 200 con gà Đông Tảo và Lương Phượng, 50 con ngan, ngoài ra gia đình tôi còn kinh doanh dịch vụ hàng hóa, thức ăn chăn nuôi, cung cấp các loại giống gia cầm…, mỗi năm cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm”.
Còn đối với gia đình anh Trần Văn Liệu và chị Lương Thị Băng ở thôn Tây Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình, nguồn vốn ưu đãi tuy nhỏ nhưng đã giúp gia đình anh chị rất nhiều trong lúc khó khăn nhất. Khi chúng tôi đến thăm gia đình thì anh Liệu vừa đi cày thuê được 4 sào ruộng về. Lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, anh Liệu cho hay: “Phải tranh thủ những ngày mùa chứ máy móc bây giờ nhiều, không chăm chỉ là không có việc để làm”. Được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo, anh Liệu đã đổi chiếc máy cày cũ được sử dụng hơn 10 năm sang chiếc máy cày tốt hơn, năng suất cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Với chiếc máy cày đó, trung bình mỗi vụ, anh Liệu cày thuê trung bình 2 triệu đồng/vụ. “Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là được vay thêm tiền đầu tư chiếc máy gặt đập liên hợp, vừa nhàn hơn mà thu nhập lại cao hơn”, anh Liệu tâm sự.
Kết quả thực hiện trong thời gian của NHCSXH tỉnh Thái Bình đã khẳng định được vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, nỗ lực hết mình trong việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi góp phần thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình, Vũ Văn Thuân cho biết, để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện tín dụng chính sách, thời gian tới NHCSXH tỉnh Thái Bình tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục cân đối từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Bài và ảnh Minh Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trả hết nợ cho ngân hàng để yên tâm học tập
- » Xuân no ấm đang về trên vùng cao Yên Bái
- » Xuân về với những gia đình nghèo hiếu học
- » Hà Nội, dẫn đầu cả nước về ủy thác vốn ngân sách địa phương
- » Niềm vui trước thềm xuân mới ở Long An
- » Thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả từ đồng vốn vay
- » Thêm ấm lòng đồng bào vùng cao Yên Bái
- » Mang Tết sớm cho đồng bào nghèo
- » Vốn ưu đãi về với rừng xanh