Vốn ưu đãi về với rừng xanh

09/01/2016
(VBSP News) Trước đây, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) là xã khó khăn với 70% là người dân tộc Sán Dìu, người dân chủ yếu trồng lúa trồng hoa màu chỉ đủ ăn và nếu dư thừa thì bán chi tiêu cũng không được. Từ khi thực hiện Dự án trồng rừng, xã giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân, được NHCSXH tiếp vốn, người dân nơi đây đã có cơ hội vươn lên đổi đời.
Ông Đinh Văn Hùng ở xã nam Hòa đang giới thiệu đồi keo lai của gia đình

Ông Đinh Văn Hùng ở xã nam Hòa đang giới thiệu đồi keo lai của gia đình

Hiện toàn xã Nam Hòa có khoảng 2.900 hộ, thì có tới 1.500 hộ trồng rừng. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm xã trồng mới từ 50 - 60ha rừng kinh tế, chủ yếu 2 loại cây keo và bạch đàn. Sau khi xã giao đất cho các hộ dân, Trạm khuyến nông huyện cung ứng cây giống, phân bón và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật từ ươm trồng, chăm sóc, bảo vệ đến cách phòng - chống cháy rừng. Nam Hòa chủ trương khai thác triệt để các nguồn vốn, đặc biệt vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến nay, toàn xã có 750ha rừng, trong đó có 500ha rừng thâm canh.

Dẫn chúng tôi đi giữa rừng keo bạt ngàn, ông Đinh Văn Hùng ở xóm Đồng Mỏ, kể: “Hơn 10 năm trước kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, toàn bộ đất đồi là đồi trọc, sim mua và cỏ dại dùng làm bãi chăn thả trâu bò, có ít ruộng nhưng làm không đủ ăn, phải vào tận Đèo Nhâu - Tràng Xá, huyện Võ Nhai, mót sắn, khoai. Đến năm 2005, thấy một số hộ trong xã không chỉ thoát nghèo mà khấm khá từ trồng rừng, nên tôi cũng mạnh dạn vay vốn ưu đãi NHCSXH để đầu tư trồng rừng.

Nhận 2.000 cây keo lai được hỗ trợ từ Dự án trồng rừng nhân dân của huyện Đồng Hỷ, tôi đem trồng trên diện tích 1ha đất đồi của gia đình. Sau một thời gian chăm sóc, thấy cây keo phát triển tốt. Thông qua Hội Nông dân, tôi mạnh dạn làm đơn, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, cộng thêm ít vốn gia đình, tôi trồng thêm 3ha keo lai. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây phát triển tốt. Trung bình 1ha đất đồi trồng 1.600 cây keo, sau 6 - 7 năm khai thác được 70 - 80m3 gỗ, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng”.

Theo những con đường bê tông sạch sẽ vòng vèo giữa những rừng keo xanh mướt, chúng tôi đến nhà bà Miêu Thị Nguyệt ở xóm Na Quán, cũng là hộ được vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng. Năm ngoái, bà Nguyệt vừa bán đồi keo thu 200 triệu đồng. Hỏi chuyện về trồng rừng bà phấn khởi nói như cởi lòng: “Nhờ có Nhà nước lo cho dân mới được như thế này chứ dân đâu biết hướng mà làm. Ở Nam Hòa trước đây toàn đất trống đồi trọc bỏ hoang cho sim mua và cỏ nở thôi. Nhà tôi đã bán rừng 3 lần rồi. Trồng rừng từ những năm 90 theo dự án PAM của huyện, hai lần trước bán cây bạch đàn thì thu nhập cũng không nhiều như lần bán cây keo vừa rồi. Trước kia nhà tôi và dân ở đây nghèo khổ lắm, trồng cây lúa và chăn nuôi cũng chả đủ ăn. Từ lúc trồng rừng cuộc sống tăng lên gấp nhiều lần đấy chứ. Cây keo lớn rất nhanh lắm, loạt keo tôi mới trồng lại, được gần một năm đã to bằng cái cốc này rồi, vài năm nữa lại cho thu nhập thôi…”. Thấy anh cán bộ âm nghiệp xã đi cùng cùng giải thích rằng, 4ha keo nhà bà Nguyệt bán còn rẻ, chứ như hiện tại rừng keo ấy bán cũng được ít nhất 250 triệu đồng.

Ở Nam Hòa còn rất nhiều những gia đình trồng rừng giỏi và có thu nhập cao như gia đình bà Nguyệt, ông Hùng. Có thể thấy, phát triển kinh tế rừng ở xã Nam Hòa đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Rừng vừa phát triển kinh tế, vừa làm thay đổi ý thức người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Năm 2015, toàn xã khai thác được trên 3.000m3 gỗ, đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, đóng góp 30% tổng thu nhập của xã. Từ một xã nghèo, đến nay 100% hộ dân trong xã đã có phương tiện nghe nhìn, nhà nào cũng có xe gắn máy… Số hộ nghèo của xã ngày càng giảm rõ rệt, từ 1.075 hộ năm 2010, đến hết năm 2015 giảm xuống dưới 20%.

“Nam Hòa sắp hết cái thời khó khăn, phát triển nông - lâm nghiệp là hướng đi bền vững. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi thì đời sống của người dân trong xã không thể có được như ngày nay. Mấy năm qua dư nợ vốn ưu đãi trên địa bàn luôn ở mức cao, gần 25 tỷ đồng cho trên 1.150 hộ dư nợ, với 7 chương trình cho vay. Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 68% trên tổng dư nợ”, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, Trần Gia Cát cho hay.

Tuy mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất thô nhưng trồng rừng ở Nam Hòa thực sự đã là một nghề mới. Từ dự án trồng rừng của Nhà nước hỗ trợ cây giống kỹ thuật cho nhân dân để thoát nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thấy có hiệu quả hiện nay người dân đang mạnh dạn phát triển rừng.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác