Một vốn 4 lời

02/01/2016
(VBSP News) Đầu tháng 12/2015, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Là một xã thuần nông, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,1%, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã, Trần Văn Huyên ngoài đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nông dân sử dụng tín dụng chính sách hiệu quả, nhiều hộ xóa nghèo bền vững.
Chị Nam đang chăm sóc “cơ nghiệp” của gia đình

Chị Nam đang chăm sóc “cơ nghiệp” của gia đình

Kết thúc năm 2015 xã Phú Xuân còn dư nợ với NHCSXH gần 14,7 tỷ đồng, hầu hết bà con vay phát triển chăn nuôi, đặc biệt phát triển chăn nuôi bò sinh sản rất hiệu quả. Trong xã có nhiều điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả, nhưng tiêu biểu phải kể tới chị Nguyễn Thị Nam ở thôn Lý Hải. Chị Nam năm nay 45 tuổi, là một hộ nghèo, càng nghèo khó hơn khi chồng chị hai lần phải mổ vì hẹp van tim. “Mỗi lần phẩu thuật là một đóng tiền, nếu không có họ hàng nội ngoại, không có bà con chòm xóm thì tôi và gia đình đã suy sụp. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người chồng tôi đã vượt qua cơn hiểm nghèo, còn tôi và hai cháu vịn vào vốn vay tín dụng chính sách đứng dậy”, chị Nam tâm sự, thành thật. Chị kể: thấy gia đình tôi đặc biệt khó khăn, Hội Phụ nữ đã giang tay giúp đỡ, năm 2012 chị được NHCSXH huyện Bình Xuyên cho vay 30 triệu đồng hộ nghèo và 30 triệu đồng cho 2 cháu đang theo học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và trường Cảnh sát nhân dân. Cầm được đồng tiền vay trong tay tôi cảm thấy như “bùa hộ mệnh”, mua ngay một con bò sinh sản. Đêm ngày chăm sóc. Bò ăn khỏe, lớn nhanh. Không phụ lòng chủ, 3 năm qua đẻ liền cho tôi 3 chú bê con. Mỗi con bê đẻ ra nuôi khoảng 5 - 6 tháng, bán được 20 triệu đồng. Vừa rồi, chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc NHCSXH huyện Bình Xuyên đến thăm, tôi báo cáo với chị: Tiền vay sinh sôi. Từ 1 con bò sinh sản, 3 năm qua đẻ được 3 con bê, tôi bán thu được trên 60 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn lại 1 con bò mẹ, năm 2016, lại đẻ tiếp cho tôi con bê thứ 4. Đúng là 1 vốn 4 lời, phải không chị? Chị Hà cười và cho biết NHCSXH đang cho vay hộ mới thoát nghèo, chị cần được tiếp sức… Được lời như cởi tấm lòng, tôi hứa với chị Hà tiếp tục cố gắng sản xuất, chăn nuôi.

Ngoài nuôi bò, chị Nam còn làm mấy sào ruộng, năm 3 vụ cấy lúa và trồng màu, đảm bảo đủ lương thực cho gia đình. Chồng chị - anh Nguyễn Văn Giảng, thương vợ vất vả, tảo tần khi khỏe cũng túc tắc đi làm kiếm thêm đồng tiền. Là một phụ nữ nghèo, đảm đang, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, sau khi bán con bê thứ 2 chị Nam đã trả hết nợ vay hộ nghèo. Con trai đầu ra trường, về nhận việc ở Công ty nước sạch Sông Đà, sau một năm công tác không những trả hết nợ vay ngân hàng 30 triệu đồng, hàng tháng còn gửi về vài triệu đồng mua thuốc cho bố, giúp mẹ mua sắm những đồ dùng cần thiết trong gia đình. Cậu con thứ, học ở trường Cảnh sát nhân dân, hết năm nay cũng ra trường. “Chưa hết khó khăn, nhưng đã qua cơn bĩ cực - chị Nam nói, đã nghe xã và huyện thông báo, tôi mong năm tới 2016 được vay tiếp tín dụng chính sách từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, để gia đình thoát nghèo bền vững”. “Chúng tôi xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ những hộ nông dân vượt khó như gia đình chị Nguyễn Thị Nam”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Xuân Nguyễn Văn Thắng, cho hay.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác