Khi có đồng vốn trong tay
Chồng mất năm 2008, một mình phải xoay xở đủ việc để lo cho mẹ chồng già yếu và 2 đứa con đang tuổi ăn học, vậy nhưng, trong đợt bình xét hộ nghèo của xóm hồi cuối năm 2014, chị Trần Thị Bẩy ở xóm Tân Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên vẫn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cơ hội cho hộ nghèo khác. Để đưa ra được quyết định này, chị Bẩy không khỏi có những đắn đo, suy nghĩ, bởi từ đây, nhiều khoản tiền hỗ trợ mà gia đình chị lâu nay vẫn được Nhà nước sẽ không còn. Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng trên đôi vai chị sẽ nhiều hơn. Nhưng rồi chị tự nhủ vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình mình đang cần sự giúp đỡ. Nếu cứ dựa mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì bao giờ mình mới tự đứng vững. Hơn nữa, chị cũng không muốn các con phải mặc cảm bởi chữ “hộ nghèo”. Chị tin chỉ cần sức khỏe và nỗ lực, chị sẽ cáng đáng được mọi việc trong gia đình.
Chị Bẩy tâm sự: “Chính nguồn vốn vay ưu đãi là yếu tố quan trọng giúp tôi có được quyết tâm rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Trước đây, vì nghèo mà gia đình tôi không thể mua nổi con bò hay trâu để phục vụ cho việc cấy trồng của gia đình. Đến năm 2010, nhờ nguồn vốn vay 25 triệu đồng của NHCSXH, gia đình tôi đã có được 1 con bò. Còn nhớ, để có trâu, bò cày bừa cho hơn 10 sào đất trồng lúa và trồng màu của gia đình, thì mỗi ngày mượn bò, tôi phải đổi bằng một ngày công lao động của mình. Từ ngày có bò, những khó khăn đó của gia đình đã được tháo gỡ”.
Sau hơn 4 năm được vay, năm ngoái, gia đình chị Bẩy đã hoàn thành việc trả nợ với ngân hàng và tiếp tục được vay 45 triệu đồng để mua 1 con bò cái đang chửa và sửa lại gian chuồng nuôi. Nhìn vào cặp bò đang được chăn thả cẩn thận, gặm cỏ no nê, chị Bẩy nói: “Chỉ khoảng 2 tháng nữa thôi, con bò con sẽ được bán với giá trên 10 triệu đồng. Số tiền bán được tôi sẽ tái đầu tư vào chăn nuôi gà, lợn để có tiền tích lũy cho các con ăn học”.
Cũng được hưởng lợi từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình chị Dương Thị Mừng, dân tộc Sán Dìu ở xóm Đồng Thịnh, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ sau hai lần vay vốn tổng cộng là 23 triệu đồng của NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống. Chỉ tay về chiếc ti vi và tủ lạnh vừa sắm, chị xúc động: “Có được những thứ đó chủ yếu là nhờ đồng vốn cho vay của Nhà nước”.
Rồi chị đưa chúng tôi ra khu vườn trước nhà, nơi chị thả 2 con trâu béo tốt, khoe: “Vợ chồng tôi vừa mua với giá 42 triệu đồng, trong đó 2/3 là tiền vay NHCSXH. Đây là tài sản đáng giá nhất của gia đình hiện nay và nhờ có chúng, việc đồng áng của vợ chồng tôi không còn vất vả nữa. Đưa mấy ngón tay lên cộng trừ nhân chia, chị Mừng tâm sự, chỉ tính riêng tiền phân bón trung bình mỗi sào trồng lúa hoặc trồng màu, nhờ 2 con trâu này cũng đỡ đi một nửa tiền phân bón, tương đương với số tiền 150.000 đồng. Nếu đem nhân với 6 sào lúa và khoảng 3 sào màu của gia đình và nhân với 2 vụ/năm, mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm được gần 3 triệu đồng. Đó là chưa kể khi trâu đẻ, gia đình tôi sẽ có một khoản tiền tiết kiệm… Trong một tương lai không xa, tôi sẽ có trâu bằng chính tiền của gia đình, chứ không phải bằng nguồn đi vay của ngân hàng nữa”.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, Lê Văn Hồng, nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã góp phần đa dạng hóa các lĩnh vực SXKD như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mở rộng các ngành nghề mới, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế từng vùng, từng địa phương. Trung bình mỗi năm có hàng vạn hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cùng cộng đồng. Từ nhiều năm nay, vốn tín dụng ưu đãi đã được chuyển tải đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã, đang và sẽ góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về phương thức, cách thức tổ chức SXKD, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, ổn định xã hội trên địa bàn.
Để nguồn vốn tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục bám sát chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là chính sách đối với các xã thuộc vùng khó khăn và chương trình xây dựng nông thôn mới; thường xuyên quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường phối hợp, đôn đốc tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng cấp, làm tốt nội dung công việc đã ký kết với NHCSXH.
Bài và ảnh Như Thông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên
- » Đồng vốn nhỏ tạo cơ nghiệp lớn
- » Đồng hành cùng hội viên CCB phát triển kinh tế
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay diện mạo vùng nông thôn
- » Vì chất lượng cuộc sống
- » Giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
- » Vùng biên giới Vị Xuyên đang đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » Yên Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
- » Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi