Giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
Với hơn 7.800 hộ (gần 40.000 người), đồng bào Khmer ở Cà Mau sống quần tụ gần những ngôi chùa Nam Tông, Sa-la-ten ở vùng nông thôn. Phần lớn thiếu hoặc không có đất canh tác, thiếu tư liệu sản xuất, tập quán canh tác còn lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn, có đông hộ nghèo. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, Cà Mau đã không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS nói chung và bà con dân tộc Khmer nói riêng.
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện tốt Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 328 hộ, đất ở cho 1.103 hộ, đào tạo nghề cho 832 lao động con em đồng bào Khmer; 2.106 hộ được hỗ trợ mua dụng cụ, máy móc chuyển đổi ngành nghề và mua đất sản xuất tập trung với diện tích hơn 879.370m2. Thực hiện chương trình 167, tỉnh đã bàn giao gần 11.000 căn nhà cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 1.182 hộ so với năm 2011, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 12,14% năm 2011, xuống còn 4,9% đầu năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm 3% - 4%/năm, hiện còn 18,75% so với tổng số DTTS toàn tỉnh.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, Triệu Quang Lợi, cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ của TW và các chính sách chăm lo hỗ trợ của địa phương, NHCSXH đã và đang tiếp sức cho đồng bào Khmer vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đến thăm huyện Đầm Dơi - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, tính đến nay, dư nợ các chương trình chính sách đạt trên 227 tỷ đồng thông qua 406 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 17.600 hộ còn dư nợ.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, vốn vay NHCSXH cộng với ý chí tự lực vươn lên rất nhiều hộ đã thoát nghèo. Hộ anh Thạch Dũng ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi là một minh chứng thực tế. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi quê gốc Bạc Liêu, lớn lên trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, bởi không có đất sản xuất, không nghề nghiệp. Năm 1997 tôi về đây lập nghiệp. Đến năm 2007, được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để mua 4 con dê về nuôi. Sau hai năm dê bắt đầu sinh sản, tôi không bán mà để lại nuôi, tiếp tục nhân giống và mở rộng đàn. Ngoài dê tôi nuôi thêm lợn rừng, cừu…Nhờ chăn nuôi thuận lợi, thu nhập của gia đình khấm khá dần lên. Qua nhiều năm tích lũy, tôi đã xây được nhà và mua thêm đất để nuôi tôm. Năm 2013, tôi chủ động làm đơn xin thoát nghèo, dành phần hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn hơn mình”.
Hay hộ anh Lê Quốc Tư ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Nhà có 5 sào đất nuôi tôm, bình quân mỗi con nước xổ chỉ thu được 300 - 400 nghìn đồng. Thu nhập thấp, anh cùng vợ phải làm thêm nghề giăng lưới cá chẽm trên các triền sông, những đêm trúng cũng thu được 100 - 200 nghìn đồng, nhưng thất nhiều hơn trúng. Mặc dù cật lực lao động nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn rất khó khăn, vì ngoài chạy ăn từng bữa, còn phải lo cho 2 con ăn học.
Xét thấy hoàn cảnh gia đình anh Tư khó khăn, nhưng chí thú làm ăn, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho vợ anh vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi. Có vốn, vợ chồng anh quyết định mua sò huyết về nuôi. Sau 6 tháng, anh thu hoạch, trừ chi phí còn lãi vài chục triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn tận dụng phần đất trống ít ỏi quanh nhà trồng ngô, rau vừa cải thiện chất lượng bữa ăn lại có thêm phần thu nhập. Kinh tế phát triển, gia đình anh Lê Quốc Tư đã trả hết nợ ngân hàng và được xét thoát nghèo.
Tuy đời sống kinh tế có nhiều khởi sắc và nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhưng cho đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn chiếm tới 18,75% so với tổng số hộ DTTS trong toàn tỉnh Cà Mau, nhiều hộ thoát nghèo vẫn được đánh giá là chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Mặt khác, một số vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn chưa được đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh, định cư, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vì vậy Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau mong muốn trong giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ và các các cấp, các ngành, NHCSXH quan tâm hơn nữa đến cán bộ, đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng để thúc đẩy quá trình giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Bài và ảnh Hồ Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Yên Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
- » Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi
- » Đổi thay vùng chuyên canh lúa Tứ Kỳ
- » Nguồn vốn để “an cư, lạc nghiệp”
- » Góp phần giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi
- » Đồng vốn chính sách làm thay đổi bản làng
- » Dự án Nippon tiếp tục được khởi động
- » Giúp đồng bào dân tộc vượt khó vươn lên làm giàu
- » Đổi đời nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chắp cánh ước mơ cho những học trò nghèo khó trên cao nguyên Lâm Đồng