Đổi đời nhờ vốn vay ưu đãi
Được xem là địa bàn đặc biệt khó khăn nhất ở Tây Nguyên, các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai quanh năm luôn chịu ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán nên đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, năm nào vùng đất này cũng có đến hàng nghìn ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước tưới, giảm năng suất, sản lượng. Dù có cố gắng bao nhiêu, thì đồng bào Gia Rai, Ba Na ở vùng đất này vẫn không thể vươn lên thoát nghèo một cách vững chắc.
Già làng Rơ Chăm Hót ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết: “Cách đây 10 năm, bà con dân làng khó khăn lắm, lúc đó bà con chỉ biết trồng cây lúa rẫy và cây mì thôi, khi nào ông trời có mưa thì có ăn, không có mưa thì mất mùa, lại đói, bà con mình muốn đầu tư mua bò, mua trâu, trông cà phê, cao su thì không có tiền, bây giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm và NHCSXH cho vay vốn, bà con mình đã biết làm ăn, cuộc sống đã khá hơn nhiều”.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành hỗ trợ vốn vay, khuyến nông, khuyến lâm đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS từ nghèo đói trở thành khấm khá, những câu chuyện đói nghèo thất học đã bị đẩy lùi, các buôn làng vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn ở Gia Lai đang ngày một trù phú hơn. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được triển khai như giao thông thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất hàng hóa, khai thác lợi thế ở vùng đất khô cằn. Nhờ đó, bà con đã ý thức vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng và không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Nhờ có thu nhập ổn định bà con đã chủ động mua sắm máy móc, thiết bị đắt tiền, phục vụ cho sản xuất đồng thời phát triển nhiều mô hình cây trồng, con vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nay H’Kuan - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Mố, huyện Ia Pa (Gia Lai) tâm sự: “Trước đây bà con ngại vay vốn vì không biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả, sợ mất vốn không trả được cho ngân hàng, nhưng sự phối hợp tốt giữa NHCSXH với các cơ quan, hội, đoàn thể nên hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất, ở vùng đất khô cằn bạc màu này, lâu nay người dân chỉ biết trồng lúa rẫy thì giờ đây bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, không chỉ làm lúa nước, trồng mía, trồng mì cao sản bà con còn manh dạn phát triển chăn nuôi đại gia súc, tăng nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống”.
Hơn 13 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho khoảng 67 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai thoát khỏi đói nghèo, trong đó riêng các huyện phía Đông đã có trên 20 nghìn hộ, qua đó đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi gia súc phù hợp với đặc thù ở mỗi địa phương, nổi bật trong đó là vùng chăn nuôi bò ở Krông Pa, trồng mía ở Ia Pa, An Khê, K’Bang, hay lúa nước ở Ayun Pa, Phú Thiện. Đời sống ngày một ấm no, nhiều hộ dân người Gia Rai, Ba Na ở vùng đất đặc biệt khó khăn này, giờ đây còn biết tích lũy gửi tiết kiệm, tuy số tiền gửi không nhiều, mỗi tháng dành dụm một vài trăm nghìn đồng, song qua đây cho thấy ý thức của người dân đã được thay đổi rõ nét, tình cảnh ăn hôm nay chẳng biết ngày mai đã không còn, bà con giờ biết lo xa hơn cho cuộc sống tương lai của gia đình.
Không chỉ cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo mà nguồn vốn ưu đãi từ Nghị định 78 cũng đã tạo điều kiện để HSSV nghèo được vay vốn thực hiện ước mơ và hoài bão của mình trong hành trình đến với giảng đường đại học hoặc các trường nghề. Gia đình ông K’sor Nha người dân tộc Gia Rai nhiều năm nay luôn là điển hình gia đình mẫu mực con cháu hiếu học của huyện vùng sâu Krông Pa. Sinh được 10 người con, quanh năm phải tất bật lo cái ăn cái mặc, song ông vẫn thắt lưng buộc bụng để cho 9 người con đi học, trong câu chuyện kể về thành quả của các con, ông K’sor Nha cho rằng nếu như không có nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình tín dụng HSSV gia đình ông không đủ sức để lo cho con ăn học, chính nguồn vốn này đã tiếp sức để các con ông theo đuổi việc học và có nghề nghiệp ổn định không như thế hệ ông cha ngày trước.
Hiện nay 5 người con của K’sor Nha đã tốt nghiệp ra trường và đều trở về phục vụ công tác tại địa phương, ngoài ra ông còn 2 người con đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, 2 đứa nhỏ đang học THPT.
Tính đến thời điểm này đã có hơn 50 nghìn HSSV trên địa bàn tỉnh Gia Lai được vay vốn học tập, với đồng bào Ba Na, Gia Rai ở các huyện vùng sâu, lâu nay chỉ học đến cấp 1, cấp 2 là về nhà lấy chống, lấy vợ nhưng nhờ vốn vay ưu đãi của Đảng và Nhà nước tỷ lệ học sinh đỗ đạt vào các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp ở các địa phương ngày càng nhiều. Nếu như hơn 13 năm trước ở huyện vùng sâu Krông Pa số HSSV theo học ở các trường chuyên nghiệp chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay thì hiện tại đã tăng lên đến cả nghìn em.
Ông Kpăh Ngun - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “So với trước đây, tỷ lệ người địa phương đi học 10 năm trở lại đây đã tăng lên rất nhiều, sau khi ra trường các em về phục vụ cho địa phương”.
Các huyện phía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai trước đây được biết đến là vùng đất nắng cháy với những cánh đồng bỏ hoang khô cằn, sỏi đá thì nay đang dần được thay thế bằng những cánh đồng lúa, mía bạt ngàn xanh mướt, gia súc gia cầm cũng đã được nuôi theo hướng công nghiệp hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính sách tín dụng ưu đãi không chỉ thổi luồng gió mới đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào nghèo ở vùng đất này mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai hàng năm từ 3 - 4%. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Gia Lai vẫn còn gần 14% số hộ nghèo, trong đó còn nhiều hộ dân vùng sâu chưa thực sự mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Vì thế, chính quyền các cấp ở Gia Lai cần đề ra nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để nguồn vốn vay chính sách được phủ khắp các buôn làng vùng sâu, tạo thuận lợi cho bà con tiếp tục khai thác cơ hội và lợi thế sẵn có để phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Chí - Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai cho biết: Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, NHCSXH tỉnh sẽ tăng cường thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để người dân biết và thực hiện, vận động hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn làm ăn. Tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, phối hợp lồng ghép giữa các chương trình tạo điều kiện để cho hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, quản lý vốn vay ở cơ sở, củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo vốn vay được đầu tư đúng đối tượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Minh Lương - Thụy Kha
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chắp cánh ước mơ cho những học trò nghèo khó trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Tín dụng NS&VSMTNT trước nhu cầu thực tế tại địa phương
- » Thời điểm “chín muồi” để nâng mức cho vay tín dụng HSSV
- » Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
- » Tiếp sức để vững lực thoát nghèo
- » Giảm nghèo nhanh và bền vững ở xã Gia Phú
- » Thừa Thiên - Huế nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Nàng Mau nỗ lực giảm nghèo bền vững
- » Cởi “nút thắt” để nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch
- » Khi Chủ tịch UBND cấp xã tham quản lý vốn ưu đãi