Chắp cánh ước mơ cho những học trò nghèo khó trên cao nguyên Lâm Đồng

24/11/2015
(VBSP News) Sau gần 9 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV, cùng với gần 3,2 triệu lượt HSSV trong cả nước, đã có rất đông con em gia đình các dân tộc nghèo khó ở tỉnh Lâm Đồng được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH để chắp cánh tới trường học chữ, học nghề...
Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã để lo cho con đi học

Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã để lo cho con đi học

Gần 9 năm qua trên vùng đất Nam Tây Nguyên này đã có trên 88 nghìn hộ gia đình vay 874 tỷ đồng trang trải việc học hành cho con em; hiện còn trên 22 nghìn hộ đang dư nợ tại NHCSXH với số tiền 506 tỷ đồng.

Kết quả đó có thể khẳng định, chương trình tín dụng HSSV do NHCSXH tổ chức thực hiện đã thực sự hữu ích trong cuộc sống, tạo ra sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực trí thức cho đất nước.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 70 nghìn HSSV từ trong vùng sâu Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Tẻh đến cao nguyên Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng vay vốn chính sách học tập ở khắp các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề danh tiếng của đất nước. Nhiều con em đồng bào K’Hor, Striêng, Êđê ở các xã vùng sâu, vùng xa lâu nay chỉ học đến cấp 1, cấp 2 rồi về nhà lấy chồng, lấy vợ nhưng nhờ đồng vốn vay của Nhà nước, tỷ lệ học sinh đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, được chắp cánh ước mơ học hành. Đơn cử như xã vùng sâu Lạc Xuân, huyện Đơn Dương vào thời điểm hơn 10 năm trước, con em đồng bào DTTS về thành phố theo học các trường chuyên nghiệp chỉ đếm đủ đầu ngón tay, nay đã tăng lên 40 lần.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lạc Xuân, Ma Ước cho biết: Hiện Hội Phụ nữ xã đạt mức dư nợ ủy thác với NHCSXH huyện trên 15 tỷ đồng trong đó gần ½ là của chương trình tín dụng HSSV đầu tư việc học tập cho 341 con em dân tộc học cao đẳng, đại học.

Gia đình chị Nai Lim ở thôn La Boong là một điển hình. Năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ, nhà chị được vay 70 triệu đồng để cho 4 người con đi học và 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để thâm canh 6 sào dưa leo, cà chua không hạt, thu lãi ròng 50 triệu đồng/năm. “Với người dân tộc Tây Nguyên chúng tôi, đồng vốn ưu đãi không chỉ làm điểm tựa để phát triển sản xuất, thoát nghèo, mà còn trở thành bà đỡ về tài chính cho con em được học tập, vững bước trên con đường tươi sáng của đất nước. Hiện nay, 2 trong 4 người con của gia đình tôi đã tốt nghiệp đại học ra trường có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và đã cùng bố mẹ thực hiện ngay kế hoạch trả nợ vốn vay cho ngân hàng được 25 triệu đồng. Gia đình tôi phấn đấu hoàn trả hết toàn bộ số tiền nợ gốc sớm, trước mắt mỗi tháng 1 lần, trả cho ngân hàng 6 triệu đồng trích từ tiền thu nhập vườn rau, đàn heo,…”, chị Nai Lim phấn khởi nói.

Còn ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, có gia đình chị Cil K’sai nhiều năm qua luôn là một trong số gia đình mẫu mực hiếu học của địa phương. Sinh được 5 người con, quanh năm phải tất bật lo cái ăn cái mặc song chị vẫn thắt lưng buộc bụng để các con được đi học. Trong câu chuyện kể về thành quả nuôi dạy con cái, chị Cil K’sai cho rằng nếu không có 51 triệu đồng vay của NHCSXH thì gia đình chị không đủ sức lo liệu việc ăn học của con cái; chính nguồn vốn ưu đãi này đã tiếp sức các con chị theo đuổi ước mơ của tuổi trẻ, để đến hôm nay 3 cháu đã tốt nghiệp đại học đi làm còn 2 cháu đang theo học tại trường dân tộc nội trú của tỉnh. Chị tâm sự: “Khó khăn nhiều lắm, may có sự giúp đỡ, con mình yên tâm học tập, nay đến hạn trả nợ, gia đình mình sẵn sàng chủ động và tự nguyện hoàn trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, Huỳnh Thanh Lân cho hay: Chương trình tín dụng HSSV đạt hiệu quả rõ rệt là bởi cùng với nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình, đơn vị đã tích cực chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, NHCSXH cấp huyện triển khai cho vay theo phương thức ủy thác qua các hội, đoàn thể với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các buôn làng. Mọi trường hợp vay vốn của chương trình đều được bình xét công khai, kết hợp kiểm tra, giám sát từ cơ sở có sự chứng kiến của chính quyền, cấp ủy sở tại đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; các thủ tục lập hồ sơ vay vốn cũng được tiến hành đơn giản, thuận tiện tại 147 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Chính sách tín dụng và kết quả thực hiện của chương trình tín dụng HSSV được NHCSXH thông báo chi tiết, chính xác để người dân biết trước thời hạn các khoản nợ, kỳ phải trả nợ, đồng thời khi nhận món vay lần cuối của chương trình, đại diện ngân hàng cùng khách hàng vay vốn chính sách ký thỏa thuận kế hoạch nộp lãi phân kỳ, trả nợ gốc. Đặc biệt, NHCSXH hầu hết 11 huyện, thị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên động viên, đôn đốc hộ vay vốn thực hiện trả nợ theo phân kỳ cũng như chi tiêu tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu từ gia đình để trả nợ nhằm giảm áp lực khi khoản vay đến hạn và tạo được nguồn vốn tại chỗ để cho vay mới. Được biết, từ năm 2014 đến nay, tiến độ thu nợ của chương trình tín dụng HSSV tại tỉnh Lâm Đồng khá nhanh, 10 tháng của năm 2015 đạt xấp xỉ gần 500 tỷ đồng. Với tiến độ thu hồi vốn như vậy, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã có thể tự chủ được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của đông đảo HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù đạt được thành tích nổi bật trong việc thực hiện, chương trình tín dụng HSSV trên cao nguyên Lâm Đồng vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc như tình trạng HSSV ra trường không có việc làm hay việc làm không ổn định, thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính làm cho nợ quá hạn của ngân hàng tăng cao. Để hoạt động tín dụng chính sách phát triển ổn định, vững chắc, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền giúp các địa phương, người vay vốn sử dụng đúng mục đích, nêu cao trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, đoàn thể cơ sở và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời phát hiện, kịp thời thông báo các trường hợp hộ vay di chuyển nơi ở và danh sách cụ thể HSSV bỏ học, bị thôi học để NHCSXH có biện pháp xử lý phù hợp; đồng thời bám sát các nội dung của Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo việc bình xét vay vốn chính sách đúng đối tượng ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, người vay mong muốn Chính phủ sớm quyết định nâng mức cho vay để đảm bảo đủ tiền đóng học phí và trang trải các chi phí học tập cho con em.

Bài và ảnh Châu Giang - Thi Huệ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác