Đánh thức tiềm năng vùng gò đồi Quảng Trạch
Sau khi chia tách địa giới hành chính, huyện Quảng Trạch còn lại khoảng hơn 45.000ha đất tự nhiên, bao gồm 18 xã. Về cơ bản, sản xuất nông - lâm - ngư vẫn chiếm tỷ trọng lớn và chủ đạo trong bức tranh phát triển kinh tế toàn huyện. Ngoài một số xã vùng Roòn phát triển khá sôi động, hầu hết các địa phương còn lại đều chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với gần 4.000ha đất trồng lúa và hoa màu.
Ông Đặng Xuân Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Quảng Trạch xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng rừng, trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cao su. Với tiềm năng sẵn có về đất đai, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ về con giống, xây dựng các mô hình áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT, duy trì và phát triển các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.
Đi tiên phong lên khai phá vùng miền Tây rộng lớn của huyện Quảng Trạch là những CCB. Ông Tưởng Văn Phán, CCB ở xã Quảng Phú tâm sự: “Năm 1982, tôi rời quân ngũ về quê, cuộc sống khó khăn vất vả, phải chạy ăn từng bữa cho gia đình. Với bản lĩnh người lính, không cam phận đói nghèo, tôi quyết định đưa gia đình lên vùng đồi khai hoang tạo dựng cuộc sống mới. Ban đầu là vùng đất thung lũng để trồng lúa nước, nuôi gia cầm từng bước ổn định cuộc sống. Tích lũy thêm được chút vốn liếng và kinh nghiệm, qua Hội CCB tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH mở rộng sản xuất, lập trang trại. Lao động cần cù và nhẫn nại, ngày qua ngày gia đình tôi đã biến quả đồithành trang trại với hơn 9ha cây keo tai tượng và cây tràm; đàn trâu, bò 30 con và hàng nghìn con gia cầm, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng”.
Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Trạch, Trần Đình Thoanhcho biết: “Để tiếp sức cho hội viên phát triển kinh tế, đến nay hội đã nhận ủy thác vốn vay NHCSXH trên 41 tỷ đồng với 61 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.163 hộ vay. Hàng năm, hội CCB huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển trang trại phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu từng địa bàn”.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều hội viên CCB không chỉ thoát được đói nghèo, mà còn trở thành những triệu phú vùng đồi. Ông Phạm Đức Giang ở thôn Vân Tiên, xã Quảng Lưu, cho biết: “Trước đây gia đình chủ yếu trồng một số cây ăn quả, rau màu nhưng hiệu quả không đáng kể. Năm 2005, tôi bắt đầu cải tạo lại đất, trồng thử mấy chục gốc tiêu, cùng với vốn vay ưu đãi của Nhà nước tôi đầu tư mở rộng diện tích trong tiêu. Hiện nay, tôi có 600 gốc tiêu, đã khai thác được 5 năm, doanh thu 200 triệu đồng/năm”.
Tiềm năng vùng gò đồi được đánh thức. Khu vực rộng lớn phía tây của huyện Quảng Trạch đang hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 32,17% năm 2011, xuống còn 10,83% năm 2014; thu nhập bình quân đạt 20,5 triệu đồng/người/năm, trong thành tích giảm nghèo chung của huyện có đóng góp cả NHCSXH.
Bài và ảnh Hồ Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Kiệt Sơn nỗ lực giảm nghèo
- » Nâng bước trò nghèo
- » Quảng Nam với các chương trình tín dụng giảm nghèo bền vững
- » Vì chất lượng cuộc sống
- » Giúp nông dân nghèo tậu “đầu cơ nghiệp”
- » Vốn chính sách trên vùng cao biên giới Cao Bằng
- » “Tiếp sức” để đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng cho bà con dân nghèo
- » “Bà đỡ” của người nghèo
- » Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc