Góp phần giảm nghèo nơi biên cương địa đầu Tổ quốc

06/11/2015
(VBSP News) Nhờ sự phối hợp chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, NHCSXH Trung ương cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai thành công Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng bằng những giải pháp thiết thực như đẩy mạnh công tác ủy thác vay vốn chính sách cho các hội, đoàn thể, kiện toàn hoạt động mạng lưới 3.087 Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh; tập trung phân tích, đánh giá từng món nợ quá hạn, nợ tồn đọng, qua đó phân loại chính xác và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Vốn chính sách là động lực giúp bà con DTTS vùng cao nguyên đá Hà Giang vươn lên thoát nghèo

Vốn chính sách là động lực giúp bà con DTTS vùng cao nguyên đá Hà Giang vươn lên thoát nghèo

Kết quả sau gần 3 năm thực hiện Đề án, chất lượng tín dụng chính sách ở Hà Giang đã có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể số nợ quá hạn trên địa bàn hiện chỉ còn 0,49% tổng dư nợ, hàng trăm Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các huyện vùng cao Đồng Văn, Xín Mần, Yên Minh thu nợ, thu lãi đạt tỷ lệ 98%. Hàng nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc ở các xã biên giới đã thay đổi ý thức có vay, có trả vốn chính sách, không còn lối nghĩ ỷ lại, trông chờ vào sự “cấp đỡ, cho không” của Nhà nước như trước đây, đồng thời còn mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay của NHCSXH với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để tạo thu nhập ổn định cuộc sống nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Đặc biệt từ đầu năm 2015, thực hiện văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang theo nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH ở một tỉnh miền núi cao biên giới vốn được coi là nơi nghèo khó nhất khu vực Tây Bắc đã có sự tăng trưởng đột biến. Nếu năm 2012, dư nợ tăng chỉ khoảng 30 tỷ đồng thì riêng 9 tháng đầu năm nay tăng đến trên 100 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nâng tổng dư nợ lên trên 1.900 tỷ đồng.

Với kết quả về nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trưởng nguồn vốn chính sách, trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Hà Giang chính thức bứt ra khỏi danh sách đơn vị hoạt động yếu kém của hệ thống NHCSXH. Bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách từ tỉnh đến huyện nhanh chóng ổn định. Cán bộ điều hành, nhân viên tác nghiệp tín dụng chính sách đã năng động hơn, gắn trách nhiệm hơn về công việc với trách nhiệm cá nhân và tập thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp ở địa phương cùng vào cuộc thật sự, tham gia quản lý, giám sát và thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội.

Minh chứng cho hiệu quả của đồng vốn vay từ NHCSXH huyện Hoàng Su Phì là anh Thèn Văn Nam ở thôn Cốc Cái xã Pố Lố với 30 triệu đồng vay năm 2012, anh Nam đã mua được 1 cặp trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc và phòng dịch bệnh tật, chống rét chu đáo nên sau 3 năm trâu khỏe mạnh đẻ đều lứa, giúp gia đình anh trả hết nợ cho ngân hàng, vẫn lãi nguyên cặp trâu mẹ trị giá hàng chục triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Xuân Chư ở thôn Minh Thành, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên từ nghèo khó được vay vốn chính sách thuận lợi để trồng 2ha cây ăn quả đặc sản như nhãn, cam, quýt và nuôi đàn ong lấy mật hoa rừng. Năm 2014, nhà ông thu nhập từ vườn cây, đàn ong được ngót nghét 200 triệu đồng, dự kiến năm nay trúng mùa, được giá hơn, giúp ông Chư vững danh hiệu thi đua: Nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Hai năm trở lại đây, NHCSXH tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng cao biên giới theo Nghị quyết của tỉnh. Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang, Đinh Thị Hồng cho biết: Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng, đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng và đổi mới trong quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các hộ vay sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả, góp phần đắc lực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên miền biên cương địa đầu của Tổ quốc .

Bài và ảnh Anh Thư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác