Địa chỉ tin cậy của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn

02/11/2015
(VBSP News) Kỳ Sơn (Nghệ An) là trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước, với 20/21 xã được hưởng Chương trình 135 giai đoạn III. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Địa bàn huyện có gần 97% là đồng bào các dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Kỳ Sơn ngày càng tăng trưởng nhanh, chất lượng cũng được nâng cao, góp phần đắc lực trong chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống nhân dân.
Nhờ nguồn vốn chính sách, cuộc sống bà con dân tộc thiểu số vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn đã đổi khác

Nhờ nguồn vốn chính sách, cuộc sống bà con dân tộc thiểu số vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn đã đổi khác

Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Kỳ Sơn đạt trên 200 tỷ đồng với gần 12 nghìn hộ đang dư nợ, bình quân mỗi hộ vay trên 17,5 triệu đồng. Nguồn vốn chính sách đã giúp cho 3.813 gia đình người Mông, Khmú, Dao, Thái… thoát cảnh nghèo khó, xây dựng được 2.423 ngôi nhà ở vững chắc, tập trung đầu tư phát triển đàn trâu bò lên hơn 40 nghìn con, khôi phục mở mang 5 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm… đặc biệt đóng vai trò nhân tố quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 78% năm 2010 xuống còn 48,7% cuối tháng 9/2015.

Những con số trên gây ấn tượng về sự đổi thay vùng rẻo cao Kỳ Sơn, tuy nhiên nơi đây vẫn còn là vùng nghèo nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều hộ vay vốn chính sách nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào việc trợ cấp, giúp đỡ của Nhà nước, chưa hiểu đầy đủ tính quan trọng của nguồn vốn chính sách trong việc đầu tư phát triển sản xuất để xóa nghèo, ổn định cuộc sống. Do vậy, cùng với việc chủ động thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ tập trung huy động các nguồn lực để tăng trưởng, tổ chức chuyển tải kịp thời, đầy đủ nguồn vốn tín dụng chính sách về đúng các đối tượng được thụ hưởng, NHCSXH huyện Kỳ Sơn đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện ban hành Nghị quyết huy động toàn hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện công tác xã hội hóa quản lý tín dụng chính sách, đồng thời thành lập Ban thu hồi nợ từ huyện đến xã để chỉ đạo thống nhất việc thu hồi nợ quá hạn phát sinh, lãi tồn đọng, tạo bước chuyển biến rõ rệt về nâng cao chất lượng tín dụng và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các hộ vay vốn chính sách trên toàn huyện cũng như ở cơ sở. Đặc biệt, đầu năm 2015, NHCSXH tiếp tục tham mưu cho huyện ủy đề ra văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, các ban ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện đều được phân công nhiệm vụ cụ thể liên quan đến tín dụng chính sách xã hội. UBND huyện đã dành số tiền trích từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn với số tiền tối đa 200 triệu đồng/năm, tính từ năm 2015. Cùng với đó các ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc sâu hơn, có trách nhiệm hơn trong việc bố trí bàn ghế, bảng tin, hội trường rộng rãi, an toàn cho Tổ giao dịch lưu động ở Điểm giao dịch xã, cũng như hỗ trợ một phần tài chính phục vụ công tác kiểm tra, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ hội, đoàn thể và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nhờ chuyển biến mới công tác tín dụng chính sách theo chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, ngày nay nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên rẻo cao biên giới Kỳ Sơn có điều kiện tiếp cận đầy đủ thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi để chủ động phát triển kinh tế; cải thiện cuộc sống. Riêng về 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã Tà Cạ quản lý có 389 thành viên tham gia đã vay vốn chính sách đến 7,8 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay luôn được NHCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể cơ sở và Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát, xem xét kỹ từng hồ sơ vay vốn, sử dụng vốn vay, nhất là kiểm tra dự án sản xuất và khả năng hoàn trả nợ của hội viên. Không chỉ quản lý tốt nguồn vốn ủy thác, Hội Phụ nữ xã Tà Cạ còn luôn động viên định hướng cho hộ vay vốn xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là gia đình anh chị Hà Thị Tình ở bản Lánh vừa được hội giúp đỡ vay vốn ưu đãi, vừa được cán bộ khuyến nông tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò, thả cá nước ngọt trên núi. Từ 50 triệu đồng, gia đình chị Tình đã phát triển chăn nuôi bò thành đàn 8 con béo khỏe cùng 1500m2 ao thả cá các loại cá trắm đen, trắm đỏ, mè hoa, có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm đạt danh hiệu thi đua “phụ nữ đảm đang làm kinh tế giỏi” của huyện.

Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả cao hơn nữa, NHCSXH huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn tiếp tục chủ động tham mưu cho các ban ngành, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đẩy mạnh việc đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng vào cuộc sống thực tiễn và thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020. Cụ thể là kết hợp giữa tín dụng chính sách và các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm; thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng chính sách để cho vay theo quy định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, đồng thời có điều kiện trả nợ vốn vay đúng kỳ hạn, đầy đủ.

Bài và ảnh Việt Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác