Hướng thoát nghèo của người dân Sơn La

26/10/2015
(VBSP News) “Gia súc, gia cầm là tài sản lớn của bà con dân tộc miền núi. Giữ được đàn gia súc không mắc bệnh, chết là thiết thực giúp người dân thoát nghèo”, ông Thào A Khua - Trưởng bản Cột Mốc, xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết.
Người dân tỉnh Sơn La nuôi bò nhốt đạt hiệu quả kinh tế cao

Người dân tỉnh Sơn La nuôi bò nhốt đạt hiệu quả kinh tế cao

Trong những bước đột phá về phát triển kinh tế hộ, từng bước giảm nghèo, làm giàu ở tỉnh Sơn La, ngoài phát triển kinh tế trang trại, nông sản hàng hoá, dịch vụ thì hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm được đề cao. Đàn gia súc ở Sơn La chủ yếu có 4 loại chính là trâu, bò, dê, lợn. Hộ giàu, có điều kiện về vốn và kinh nghiệm thì phát triển đàn với số lượng lớn từ vài chục con trở lên. Hộ ít vốn thì cũng cố gắng nuôi lấy 1 - 2 con trâu, bò; mấy con dê, lợn; chục con gia cầm theo kiểu “tiền bỏ ống”. Thêm vào đó, những dự án kinh tế - xã hội của Nhà nước, như chương trình 30a, 135, vốn ưu đãi từ NHCSXH… đã đưa đến cho người dân nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Gia đình ông Vi Văn Thi ở xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, năm 2012 được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện. Có tiền ông đầu tư mua bò sinh sản, khai hoang, đào mương dẫn nước và trồng thêm 2ha ngô. Sau thời gian chăm sóc và áp dụng tiến bộ KHKT nên đàn bò phát triển tốt, 2ha ngô đạt năng suất cao và gia đình ông đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Với người dân vùng cao, nếu chỉ sản xuất bằng cây trồng thì khó mà thoát được nghèo vì đất sản xuất có hạn, khí hậu khắc nghiệt, mỗi năm chỉ gieo trồng được 1 vụ, năng suất cây trồng thấp. Ông Thào A Khua cho biết: “Muốn giàu có, muốn làm nhà cửa, mua xe máy, máy cày… thì phải chăn nuôi gia súc. Nuôi một con bò, con trâu hay mấy con dê tuy mất tới vài năm chăm sóc nhưng thật ra cũng chẳng phải đầu tư gì ngoài cỏ, lá cây rừng… Nhưng khi bán là có tới mấy chục triệu đồng. Trong bản có 5 anh em nhà ông Thào A Chồng nuôi tới hơn 100 con trâu, bò, nhiều dê, lợn nên kinh tế khá giả rất nhanh. Các hộ khác cũng đang học và làm theo đấy”.

Không chỉ trở thành một trong những điển hình ở địa phương sử dụng vốn vay NHCSXH hiệu quả, ông Lò Văn Quân, dân tộc Thái tại bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu còn được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản. Hiện tổ có 41 tổ viên, mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ, tổng dư nợ hiện tại hơn 1,4 tỷ đồng. “Để đồng vốn phát huy hiệu quả và giúp người nông dân đủ tiền đầu tư sản xuất, chăn nuôi, thiết nghĩ Nhà nước nên nâng mức cho vay một số chương trình. Với mặt bằng giá cả hiện nay, mức cho vay tại NHCSXH là thấp so với nhu cầu của người dân, với số vốn này thì chúng tôi chỉ mua được con bê thôi chứ để mua được con bò sinh sản thì phải cần nhiều hơn thế”. Ý kiến của ông Quân cũng là tâm tư của bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, muốn thoát nghèo bằng chăn nuôi.

Bài và ảnh Minh Quốc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác