Góp sức xây dựng nông thôn mới

26/10/2015
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn luôn phấn đấu cùng với chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi, đồng thời tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các xã điểm để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nước sạch giúp người dân vùng cao Lạng Sơn cải thiện cuộc sống

Nước sạch giúp người dân vùng cao Lạng Sơn cải thiện cuộc sống

Trước hết phải kể đến hiệu quả của 120 tỷ đồng chương trình tín dụng NS&VSMTNT, người dân vùng cao biên giới xứ Lạng giờ đây không chỉ được nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường mà còn xây dựng được trên 28 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, mang lại lợi ích thiết thực cho sức khỏe và góp phần thúc đẩy sản xuất, giúp nhiều xã ở vùng núi đá Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, đến miền biên ải Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định… thực hiện về đích trước thời gian quy định về tiêu chí môi trường, một trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, tại huyện Cao Lộc nguồn vốn giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Nùng, Tày và Cao Lan xây được bể chứa nước sạch, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh. Các công trình này đưa vào sử dụng đã góp phần gìn giữ môi trường trong lành, nâng cao đời sống của người dân.

Gia đình chị Nông Thị Dân ở bản Khôn, xã Thanh Đạn, huyện Cao Lộc là một ví dụ. Trước đây nước giếng khoan gia đình chị chỉ dùng vào tắm giặt, còn ăn uống chủ yếu sử dụng nước mưa chứa trong các lu, vại, còn nhà vệ sinh thì tạm bợ. Giữa năm 2014, được NHCSXH cho vay 12 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch, cộng với nguồn kinh phí tự có, chị Dân đã xây dựng công trình đồng bộ khép kín, bao gồm nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại, bể lọc nước, bồn chứa nước, đảm bảo đủ nước sạch dùng cho cả 6 người trong gia đình.

Cùng với việc cho vay xây dựng công trình NS&VSMTNT, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã nghèo, thôn nghèo, xã điểm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả như chăn nuôi bò, lợn ở xã Tràng Phát, huyện Văn Quán; mô hình nuôi cá, thâm canh vườn cây ăn quả của nông dân huyện Bắc Sơn; phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng sâu xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng…

Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, Nông Viết Hiệp chia sẻ, dư nợ tín dụng chính sách trong toàn xã hiện đạt 8,2 tỷ đồng. Các hộ gia đình đã sử dụng nguồn vốn ưu đãi để mua vật tư phân bón, máy móc, giống cây trồng, vật nuôi,… thực hiện chuyển đổi mùa vụ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 5%, tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập khá giả tăng. Nguồn vốn chính sách đã thực sự giúp đỡ người dân thoát nghèo, làm giàu và tất cả các thôn của xã vùng sâu Yên Sơn đều hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo đến hết tháng 9/2015, tổng nguồn vốn cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách tại Lạng Sơn đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguồn vốn ưu đãi đã tập trung vào chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn vùng cao biên giới. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục góp phần hiệu quả vào chương trình giảm nghèo bền vững nơi vùng cao biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng nơi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thiết thực giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Ngọc Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác