Giúp người dân vùng cao không tái nghèo

13/10/2015
(VBSP News) Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã giúp cho hàng nghìn hộ mới thoát nghèo ở Hà Giang có thêm nguồn vốn để duy trì phát triển SXKD, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Để không tái nghèo, nhiều hộ dân vùng cao đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ nguồn vốn vay mới

Để không tái nghèo, nhiều hộ dân vùng cao đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ nguồn vốn vay mới

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, mỗi năm, có từ 5 - 6 nghìn hộ thoát nghèo, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18% trong tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất hạn chế, biến động của thị trường, nên nhiều hộ thoát nghèo nhưng chưa có bước đột phá về kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững, chỉ một rủi ro nhỏ trong cuộc sống hay sản xuất, chăn nuôi là tái nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Cuối năm 2014, gia đình anh Sùng Văn Sính ở thôn Má Hồng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ được thôn bình xét thoát khỏi hộ nghèo. Khi còn là hộ nghèo, gia đình anh Sính được vay vốn ưu đãi để đầu tư phân bón thâm canh lúa, ngô và mua giống bò sinh sản. Nhờ có nguồn lực, lại chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của gia đình anh khá hơn, từ hộ nghèo vươn lên thành hộ trung bình. Tuy nhiên, niềm vui thoát nghèo chưa được bao lâu thì gia đình anh Sính đối mặt với khó khăn mới, vì không còn vốn để đầu tư cho sản xuất và mở rộng chăn nuôi. “Thoát khỏi hộ nghèo nhưng gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn, nguồn thu không có gì lớn. Muốn vay vốn để tiếp tục đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng không có vốn ưu đãi, lãi suất thấp cho hộ trung bình, vay vốn các Ngân hàng thương mại lãi suất cao thì hoàn cảnh gia đình không kham nổi, nếu không có vốn ưu đãi chắc lại tụt xuống hộ nghèo”, anh Sùng Văn Sính chia sẻ.

Một trong những “nút thắt” khiến hàng nghìn hộ nghèo ở vùng cao Hà Giang khó bứt phá, vươn lên thoát nghèo bền vững, đó là nguồn vốn. Hầu hết các hộ dân ở vùng cao Hà Giang dù thoát nghèo nhưng cũng chỉ đủ ăn, thu nhập thấp. Nhiều hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại e ngại nguồn vốn lãi suất cao. Do đó, khi Chính phủ có chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo, tỉnh Hà Giang coi đây là nguồn lực quan trọng để người nghèo bớt nghèo. Với mức cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng, lãi suất 0,6875%/tháng sẽ giúp các hộ mới thoát nghèo tháo “nút thắt” về vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Khi Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực tuyên truyền cho người dân về nguồn vốn mới để bà con biết. Giám đốc NHCSXH huyện Quản Bạ Lê Tuấn Quang, cho biết: “UBND huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các xã, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với ngân hàng, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng tới nhân dân. Tiếp cận với người dân tại các buổi tuyên truyền cho thấy, hầu hết các hộ mới thoát nghèo khi biết tin có nguồn vốn ưu đãi đều vui mừng, phấn khởi và mong muốn nguồn vốn sớm đến tay”.

Khi cán bộ NHCSXH huyện xuống thôn tuyên truyền về nguồn vốn mới, thuộc diện được vay vốn ưu đãi, anh Sùng Văn Sính hồ hởi nói: “Đây là cơ hội giúp gia đình tôi mua thêm giống bò sinh sản, trồng thêm cỏ phát triển chăn nuôi để có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình tôi đã đăng ký vay 50 triệu đồng”. Còn chị Mua Thị Súa ở thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, cho biết: “Gia đình tôi đã đăng ký vay 50 triệu đồng, dự tính sẽ dành một phần nhỏ để đầu tư mua giống ngô, lúa mới, phân bón để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Phần lớn số tiền tôi sẽ sửa chữa lại chuồng trại, mua thêm con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò sinh sản”.

Phó Giám đốc NHCSXH Hà Giang Vũ Tuấn Anh, cho biết: “Chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các xã rà soát danh sách hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm gần đây. Hiện tại đã có 4/11 huyện, thành phố hoàn thành việc rà soát với nhu cầu vốn hơn 7,4 tỷ đồng. Phòng giao dịch các huyện đang khẩn trương xác nhận đối tượng, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân vốn ngay trong tháng 10. Trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn từ các địa phương, chi nhánh sẽ đề nghị bổ sung nguồn vốn, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của nhân dân trong năm nay và những năm tiếp theo”.

Bài và ảnh Khánh Toàn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác