Tiếp sức tới giảng đường
Vượt quãng đường hơn 15km từ thành phố Bắc Giang về phía Tây Bắc, chúng tôi đến huyện Tân Yên vào buổi sáng một ngày cuối tháng 9. Giám đốc NHCSXH huyện, Nguyễn Văn Cảnh cho biết: “Chúng tôi cho vay HSSV học kỳ I năm học 2015 - 2016 từ tháng 8 tới tất cả các xã, thị trấn; đồng thời phối hợp với các tổ chức hội để tuyên truyền thực hiện chính sách đến các hộ gia đình…”. Thời điểm giải ngân vốn tín dụng HSSV năm học mới này tập trung vào tháng 10 và tháng 11. Nguồn vốn thu hồi trong năm 2014 và 8 tháng qua đã đáp ứng đủ nhu cầu cho vay trong năm học mới. Đa số nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, giúp HSSV có nguồn tài chính phục vụ học tập, sau khi tốt nghiệp ra trường, có việc làm đã trả nợ đầy đủ.
Đến hết tháng 9/2015, dư nợ cho vay HSSV của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đạt 535 tỷ đồng, với khoảng 28.000 HSSV đang có dư nợ. Năm 2015, ngân hàng dự kiến đạt tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách khoảng 2.900 tỷ đồng. |
Rời Điểm giao dịch xã Lan Giới, theo con đường làng ngoằn ngoèo đi qua những cánh đồng lúa chín vàng ở vùng quê trung du, chúng tôi đến thăm gia đình ông Khúc Xuân Thăng ở thôn Ngòi Lan. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo đã được vay vốn từ chương trình tín dụng hộ nghèo và HSSV của NHCSXH từ năm 2007. Ông tâm sự: “Gia đình tôi thuần nông, cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ 4 sào ruộng và chăn nuôi mấy con bò. Vợ tôi ốm yếu thường xuyên, không làm được việc nặng. Khi hai cháu nhà tôi bắt đầu vào đại học, nhờ nguồn vốn của ngân hàng, các cháu đã được tiếp tục theo học. Đến nay, hai cháu đã tốt nghiệp ra trường”. Con lớn của ông là Khúc Xuân Bằng, học chế tạo máy, đã có công ăn việc làm tại Hà Nội và đã trả nợ được ngân hàng. Người con thứ hai là Khúc Xuân Thuyên, đang học Đại học Kinh tế quốc dân.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát, cho biết, trong năm học 2015 - 2016, ngân hàng đã chuẩn bị đủ nguồn vốn và dự kiến giải ngân khoảng 30 - 40 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi cho HSSV. Để cho vay đúng đối tượng, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn để lên danh sách đối tượng xét cho vay. Đồng thời, tại các thôn, cán bộ tín dụng cùng cán bộ hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền tại các Điểm giao dịch xã, đến các đối tượng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con là HSSV, để hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục vay vốn. Theo ông Quát, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các em HSSV thuộc các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang yên tâm trang trải kinh phí học tập, và không có trường hợp nào phải bỏ học vì thiếu nguồn tài chính. HSSV sau khi ra trường có việc làm đã thực hiện tốt việc trả nợ, lãi cho ngân hàng.
Bài và ảnh Việt Hùng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bước chuyển mình trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Nông dân Hưng Hà đổi đời từ đồng vốn
- » Nhịp cầu dẫn vốn
- » “Đòn bẩy” thoát nghèo bền vững
- » Tín dụng chính sách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống
- » Lâm Đồng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%
- » Phụ nữ xã Nghĩa Phương sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Đổi thay ở Kon Plông
- » Đổi thay trên cao nguyên Gia Lai
- » Giúp hộ nghèo có hướng làm ăn