Phụ nữ xã Nghĩa Phương sử dụng vốn vay hiệu quả

05/10/2015
(VBSP News) Là một xã thuần nông, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu vay vốn sản xuất của người nghèo, trong đó có hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) là rất lớn. Trước nhu cầu đó, Hội Phụ nữ xã phối hợp với NHCSXH huyện Tư Nghĩa tạo điều kiện cho chị em tiếp cận vốn vay ưu đãi, thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn ưu đãi tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ ở Quảng Ngãi đầu tư phát triển nghề làm chổi đót

Nguồn vốn ưu đãi tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ ở Quảng Ngãi đầu tư phát triển nghề làm chổi đót

Bà Võ Thị Huệ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghĩa Phương cho biết: Trong những năm qua, thực hiện tiêu chí giảm nghèo và vệ sinh môi trường, gắn vào các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển, giải quyết nhiều hộ gia đình có công ăn, việc làm. Cụ thể từ năm 2011 đến nay, hội phối hợp với NHCSXH huyện làm thủ tục giải ngân trên 5 tỷ đồng cho 289 hộ vay, thực hiện các dự án vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo… Bên cạnh đó, hội còn quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn và vận động chị em tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 113 triệu đồng.

Chị Phan Thị Kim Hoan ở thôn An Đại I, cho biết: Gia đình chỉ có 5 sào lúa, hai vợ chồng ốm đau thường xuyên, làm không đủ ăn lại nuôi 2 con ăn học, nên lúc nào cũng trong cảnh túng thiếu. Năm 2012, Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng. Không những được tư vấn hướng dẫn chi tiết cách làm chuồng, trại, kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu, chị còn vay NHCSXH 15 triệu đồng. Với số tiền vay, chị mạnh dạn nuôi 35 cặp chim bồ câu. Hiện nay, gia đình chị Hoan là một trong những hộ nuôi chim bồ câu nhiều nhất xã Nghĩa Phương, với gần 700 con. Theo chị Hoan, nuôi chim bồ câu nhốt chuồng rất dễ, không lo dịch bệnh lại nhanh thu hồi vốn. Chim bồ câu là loài sinh sản nhanh, trung bình một tháng đẻ một lứa. Với đầu ra ổn định, từ 35 - 40 nghìn đồng/1 con, bình quân mỗi tháng bà bán 100 con chim bồ câu non, trừ chi phí thu về gần 4 triệu đồng. Đến nay, chị Hoan đã hoàn trả vốn vay cho NHCSXH.

Có hoàn cảnh tương tự như chị Hoan, năm 2012, bà Huỳnh Thị Hiếu tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn An Đại II do Hội Phụ nữ quản lý và NHCSXH cho vay 10 triệu đồng. Bà đầu tư trồng nấm rơm trên diện tích 12m2. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt, sau 3 tháng bà thu hoạch sản phẩm đầu tay. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn mở rộng sản xuất. Hiện, bà Hiếu có 4 trại nấm và còn chăn nuôi thêm lợn nái, kinh tế bước đầu đã ổn định.

Song song với công tác cho vay, để nâng cao chất lượng tín dụng, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Phương thường xuyên phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức kiểm tra, đối chiếu sổ sách. “Thông qua chương trình ủy thác vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, không chỉ tạo điều kiện GQVL cho hội viên, mà còn làm cơ sở thu hút chị em phụ nữ tham gia tổ chức hội, tạo sự đoàn kết trong chị em”, bà Võ Thị Huệ cho biết thêm.

Bài và ảnh Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác