ĐaKrông giảm nghèo
Là một trong 64 huyện nghèo nhất nước, kinh tế của ĐaKrông chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nhưng đất sản xuất lương thực, rau màu chỉ chiếm 4,63% diện tích tự nhiên. Đã vậy, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Với trên 3,8 vạn dân, dân tộc Pa Cô và Vân Kiều chiếm trên 80% dân số toàn huyện ĐaKrông. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 63,63% (theo chuẩn cũ).
Chủ tịch UBND huyện ĐaKrông Lê Đắc Quỳ, khẳng định: Có thể nói, thời gian chưa dài nhưng cho đến thời điểm này người dân ở huyện ĐaKrông có quyền tự hào sau 17 năm thành lập, từ một địa phương xuất phát điểm hầu như không có gì, nhưng với sự đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt của TW, của tỉnh và các ban, ngành ĐaKrông đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, thử thách, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và thu được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2010 - 2015, nguồn vốn Chương trình 30a đầu tư cho huyện hơn 255 tỷ đồng, xây dựng 65 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ sản xuất cho người dân, 100% số xã có đường giao thông trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được được hỗ trợ làm nhà ở, được khám, chữa bệnh miễn phí.
Đồng hành và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện ĐaKrông luôn có vốn vay ưu đãi. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Hồ Thị Kim Cúc: Điều rất đáng mừng là bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đã từ bỏ được phương thức canh tác lạc hậu từng tồn tại qua nhiều đời nay, vay vốn về bà con đã biết tính toán, lo làm ăn; hoặc đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc, mở rộng diện tích trồng rừng để thoát nghèo”.
Năm 2006, chàng thanh niên Vân Kiều Hồ Văn Dơ ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long được vay 3 triệu đồng từ dự án Phần Lan và 7 triệu đồng từ NHCSXH huyện ĐaKrông. Từ một hộ nghèo, có vốn anh Dơ mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi. Với mô hình kết hợp chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, thực hiện sản xuất con giống tại chỗ để tiết kiệm tiền đầu tư. Mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn lợn thịt, lãi ròng trên 10 triệu đồng/năm. Nhận thấy diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn nhiều, anh Dơ vay vốn tiếp tục đầu tư vào trồng rừng. Đến nay, anh đã sở hữu trong tay trên 10ha rừng tràm từ 3 - 5 tuổi, đang chờ ngày thu hoạch. Anh còn đào ao nuôi cá, nuôi hàng trăm gà, vịt, gần 20 con trâu, bò. Áp dụng những tiến bộ KHKT học được qua các lớp tập huấn, anh cải tạo thành công 10 sào ruộng trồng lúa nước và 1ha đất trồng hoa màu, như ngô, sắn, đậu các loại. Năm 2010, anh đầu tư mua 1 xe ô tô tải nhỏ làm dịch vụ kinh doanh buôn bán và thu mua nông sản, đồng thời vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, chọn cây, con thích hợp với khí hậu, đất đai gia đình Hồ Văn Dơ đã vươn lên khá giả.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Có đất, có vốn làm ăn
- » Vốn dự án WB3, nhìn từ hiệu quả trồng rừng
- » “Đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới
- » Tín dụng chính sách luôn được đặc biệt quan tâm!
- » Bắc thêm cây cầu trên đường vượt khó
- » Tiếp sức cho những hộ mới thoát nghèo
- » Thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » Phụ nữ Nam Sách giúp nhau xây dựng cuộc sống mới
- » Những ngôi nhà ý Đảng lòng dân
- » Đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế