“Đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Gia đình ông Thái Lập Tư ở thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm là một trong những hộ đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Ông Tư kể, khi nhận được vốn vay đã đầu tư, mở rộng ngay vào việc trồng táo, mãng cầu và chăn nuôi gà. Đến nay, ông đã có vườn cây ăn quả xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Từ đồng vốn này, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, từng bước trả nợ, lãi đúng hạn và xây dựng được nhà cửa khang trang”, ông Tư nói.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ ở thôn Như Xuân 2, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang cũng thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách. Bà Lệ cho biết: “Được vay 20 triệu đồng, tôi xây chuồng nuôi hơn 100 con thỏ; đồng thời mua phân bón cho hơn 1,5ha điều. Đến nay, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập hơn 6 triệu đồng, kinh tế gia đình từng bước phát triển”.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục nghìn lượt gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, liên kết thông qua tổ hợp tác, hội, đoàn thể… Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ mía ở xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh là một điển hình. Ban đầu, tổ chỉ có 7 thành viên liên kết sản xuất trên 16ha mía giống mới cho năng suất 70 tấn/ha. Sau khi được vay thêm vốn ưu đãi, các thành viên trong tổ đã mở rộng sang lĩnh vực vận chuyển mía sau thu hoạch, cung ứng phân bón, giống mía mới cho người trồng mía ở địa phương, qua đó, thu lãi bình quân cả hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Bảo đảm an sinh xã hội vùng nông thôn
Không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, nguồn vốn tín dụng còn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội ở vùng nông thôn. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Khánh Hoà giữ vai trò quan trọng khi tổng dư nợ cho vay đến nay đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Trước đây, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, môi trường bị ô nhiễm… Để giải quyết vấn đề này, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho các hội viên được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống nước sạch, bể lọc nước, bể chứa nước, giếng khoan…
Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Phương Nguyễn Thị Gõ, hiện nay, hơn 95% số hộ của xã được sử dụng nước sạch, gần 100% hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn… là nhờ vốn vay ưu đãi.
Được biết, dư nợ cho vay vốn để cải thiện vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt ở vùng nông thôn của tỉnh Khánh Hòa đã đạt gần 400 tỷ đồng. Số vốn này góp phần không nhỏ vào việc giúp gần 92% người dân khu vực nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, hơn 77% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, tín dụng chính sách còn tập trung cho vay các chương trình tín dụng khác như HSSV hơn 467 tỷ đồng; hộ nghèo hơn 273 tỷ đồng; hộ cận nghèo 354 tỷ đồng…
Có thể nói, hiệu quả nguồn vốn tín dụng đem lại trong những năm qua là rất lớn, là đòn bẩy, động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Văn Nguyễn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách luôn được đặc biệt quan tâm!
- » Bắc thêm cây cầu trên đường vượt khó
- » Tiếp sức cho những hộ mới thoát nghèo
- » Thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » Phụ nữ Nam Sách giúp nhau xây dựng cuộc sống mới
- » Những ngôi nhà ý Đảng lòng dân
- » Đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế
- » Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Đắk Lắk: Giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,3%
- » Tín dụng chính sách đã đến với hộ mới thoát nghèo ở Long An
- » Phụ nữ Hữu Lũng vay vốn nhỏ làm giàu nhanh