Có đất, có vốn làm ăn
Xã An Bình có trên 200 hộ dân tộc Khmer, chủ yếu quần cư trên địa bàn ấp Tân Thịnh. Trước đây, có thời điểm tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo của xã lên tới 42,5%. Năm 2010, tỷ lệ đã giảm xuống còn 19,3%, năm 2014 là 8,14%. Có được kết quả này là do Đảng ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giúp đồng bào Khmer phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Bùi Đình Cánh - Trưởng ấp Tân Thịnh kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết: Trước đây bà con Khmer nghèo do 3 nguyên nhân: không có đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư và thiếu kiến thức KHKT. Cùng với chủ trương của UBND tỉnh cấp mỗi hộ 1ha đất sản xuất, NHCSXH huyện Phú Giáo cho vay vốn, đồng bào Khmer trồng cao su, tiêu, điều, chăn nuôi gia súc. Từ đó kinh tế và đời sống người dân có bước phát triển.
Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Giáo Nguyễn Văn Nhơn, khẳng định: Dự án định canh, định cư cấp đất cho đồng bào DTTS xã An Bình được tỉnh triển khai từ năm 2004, sau đó được giao về huyện quản lý. Đến nay, đã có 112 hộ được cấp đất sản xuất với diện tích 116,2ha tại khu tái định cư Suối Sai, nằm sâu trong ấp Gia Biện của xã Tam Lập. Bên cạnh việc cấp đất, các hộ còn được nhận 250 cây điều giống cao sản, 300kg phân bón, 10kg giống ngô lai để trồng xen khi cây còn nhỏ. Ngoài ra, còn 15 hộ khó khăn được cấp thêm mỗi hộ 1 con bò, nhằm giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ sự quan tâm của địa phương, NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, hầu hết các hộ sử dụng đất có hiệu quả. Cả một vùng đất rộng trên 100ha giờ đây đã được phủ xanh bằng cây cao su, tiêu, điều và sắn.
Với 1.000m2 đất trồng 100 cây cao su, đồng thời tận dụng khoảng trống dưới mặt đất, nhiều năm nay, gia đình anh Võ Văn Lợi còn thu thêm tiền buôn bán. Đầu năm 2010, anh lập dự án xây 9 nhà sản xuất nấm và lò hấp phôi giống. Để giúp anh Lợi thực hiện thành công dự án sản xuất nấm, NHCSXH huyện cho anh vay 30 triệu đồng. Ngoài sản xuất nấm thương phẩm, trại nấm của anh còn ươm bịch phôi cung ứng cho bà con trồng nấm trong xã. “Mỗi ngày, tôi thu 50 sản phẩm nấm bào ngư. Năm 2014, tôi còn bán 70.000 bịch phôi nấm mèo và bào ngư, tổng lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng”, anh Lợi tiết lộ.
Giống như gia đình anh Lợi, gia đình bà Châu Thị Giàu cũng được cấp đất và NHCSXH cho vay vốn trồng điều và sắn, mùa điều năm ngoái, sau khi trừ hết chi phí bà còn thu về trên 20 triệu đồng. “Ngày trước khi chưa có đất quanh năm gia đình lo lắng trang trải nợ nần. Đến nay, khi có nguồn thu từ vườn cây, cùng với việc làm thêm, gia đình tôi đã có dư để mua sắm các vật dụng trong gia đình”, bà Giàu cho biết.
“Nhờ dự án này mà thu nhập bình quân đầu người của các hộ đồng bào DTTS tại xã tăng nhanh, đến nay đã đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS hiện chỉ còn 0,8% theo tiêu chí mới của tỉnh. Có thể nói, dự án đã thật sự giúp các hộ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững trên khu đất được Nhà nước giao”, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Lê Minh Trí khẳng định.
Bài và ảnh Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn dự án WB3, nhìn từ hiệu quả trồng rừng
- » “Đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới
- » Tín dụng chính sách luôn được đặc biệt quan tâm!
- » Bắc thêm cây cầu trên đường vượt khó
- » Tiếp sức cho những hộ mới thoát nghèo
- » Thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » Phụ nữ Nam Sách giúp nhau xây dựng cuộc sống mới
- » Những ngôi nhà ý Đảng lòng dân
- » Đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế
- » Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Đắk Lắk: Giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,3%