Đổi thay ở Kon Plông
Trung tâm huyện Kon Plông nằm trên quốc lộ 24, cách TP. Kon Tum khoảng 50km, cách đây khoảng 10 năm, từ tỉnh vào huyện phải mất cả tuần, đường xuống các xã chỉ có cách đi bộ theo lối mòn băng núi, băng rừng, qua khe suối. Người dân quanh năm chỉ biết làm rẫy, cách gieo trồng chọc lỗ, tra hạt phụ thuộc vào thời tiết, lúa nước vẫn khá xa lạ. Đói nghèo bủa vây người dân…
Cuộc sống của đồng bào DTTS ở huyện Kon Plông đổi thay từ ngày Nhà nước có chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, Nghị quyết 30a như tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho Kon Plông tiến nhanh và vững chắc hơn trên con đường giảm nghèo. Xuất phát điểm thấp, giữa “điệp trùng” khó khăn, lãnh đạo Kon Plông xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là ưu tiên trọng tâm, trong đó chọn khâu đột phá làm đường giao thông. Xác định hướng đi đúng, được dân đồng thuận, từ huyện xuống đến các xã đặt quyết tâm cao đầu tư làm đường để “nối buôn làng với ấm no”. Ông A Lễ ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho biết: Nhà nước cho xi măng, cát, đá, dân làng góp sức, góp ngày công lao động làm đường. Trước kia đi lại khó khăn lắm. Có đường đi, làm ra cái gì cũng bán được giá. Có tiền mua vật dụng cho gia đình rồi cho con cái đi học. Đến nay, tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đến được trung tâm; các con đường huyết mạch đều được bê tông hóa, nhựa hóa vào tận các xã vùng sâu, vùng xa. Có đường là có giao thương, nông sản của bà con ra xã, ra huyện, về TP. Kon Tum, kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại, hàng hóa tiêu dùng được đưa về phục vụ bà con. Hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm… rồi cây, con giống mới cũng theo đường đến với người dân. Đây là một thành công lớn của Kon Plông sau 40 năm giải phóng và 12 năm thành lập huyện.
Một điều khá đặc biệt, dẫu Kon Plông vẫn còn thuộc diện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 31,15%, song huyện đã được tỉnh chọn là một trong 3 vùng kinh tế trong điểm, phấn đấu cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 21,71%. Cơ sở cho sự lựa chọn này, trước hết xuất phát từ lợi thế địa lý và tiềm năng du lịch. Nằm giữa 2 dãy núi Đông và Tây Trường Sơn, Măng Đen - Kon Plông là một khu vực rộng lớn, bằng phẳng, được ví như Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên. Với độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, nơi đây quanh năm không khí mát mẻ. Thiên nhiên ưu đãi, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng giá trị cao, có nhiều danh lam, thắng cảnh với hệ thống sông, suối, thác nước đẹp đã đưa vào sử dụng. Năm 2013, Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với hầu hết diện tích tự nhiên của huyện (trên 138 nghìn ha). Đây là điểm nhấn trên đường đi tới của Kon Plông. Với chính sách mở cửa, thông thoáng, huyện đã thu hút được 32 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau, hoa quả xứ lạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Lê Đức Tín, Kon Plông đã và đang tập trung xây dựng chương trình riêng để đưa con cá tầm trở thành sản phẩm giúp người dân thoát nghèo. Cụ thể: để mọi người dân có điều kiện tiếp cận với nghề mới huyện thành lập 4 HTX nuôi cá tầm, hỗ trợ cho vay không tính lãi 200 triệu đồng/HTX; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ từ NHCSXH để trồng trọt, chăn nuôi.
Bài và ảnh Vọng Phố
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đổi thay trên cao nguyên Gia Lai
- » Giúp hộ nghèo có hướng làm ăn
- » “Không có việc gì khó...”
- » Nước sạch đã về với bà con vùng Đồng Tháp Mười
- » Hộ nghèo được vay vốn ưu đãi làm nhà ở
- » CCB Giàng A Chinh gương mẫu ở bản Tà Ghênh
- » Nâng cao chất lượng cuộc sống
- » ĐaKrông giảm nghèo
- » Có đất, có vốn làm ăn
- » Vốn dự án WB3, nhìn từ hiệu quả trồng rừng