Những câu chuyện thoát nghèo ở Kon Tum

18/08/2015
(VBSP News) Nhiều năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã hỗ trợ tích cực cho người nghèo và đối tượng chính sách khác ở tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình ở Kon Tum đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo

Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình ở Kon Tum đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo

“Sức bật” từ đồng vốn ưu đãi

Nhìn cơ ngơi ổn định với nguồn thu 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng trọt, chăn nuôi, ít ai biết gia đình anh Nguyễn Xuân Bính ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, đã phải trải qua những năm tháng vất vả, khi hai vợ chồng tay trắng cùng đứa con tật nguyền đưa nhau lên Kon Plong tìm kế sinh nhai.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ông Bùi Phú Hiếu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội CCB thôn Măng Đen, gia đình anh Bính vay được 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn, anh Bính mua bò về nuôi và trồng cà phê. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù của hai vợ chồng, năm 2014, gia đình anh đã thoát nghèo, trả hết nợ vay và giờ thì đang hướng đến làm giàu bằng 50 triệu đồng vừa được vay lại để phát triển sản xuất, chăn nuôi…

Còn hộ gia đình ông Trần Công Thạng ở thôn 2, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà lại kể một câu chuyện khác về nỗ lực thoát nghèo. Năm 1984, ông Thạng và gia đình rời quê hương Hải Dương vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Những ngày đầu đối diện với sốt rét rừng, khí hậu khắc nghiệt, dù quyết tâm bám đất nhưng gia đình ông gặp vô vàn khó khăn do không có tiền đầu tư phát triển. Nhờ Hội CCB xã giới thiệu và hướng dẫn, năm 2012 hộ ông Thạng đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để đầu tư có hiệu quả vào mô hình VAC.

Giờ đây, với mô hình trang trại, gia đình ông đã có tới 1ha cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch, 1ha cà phê trồng mới nhờ vay vốn, 1ha cao su… Làm ăn có lãi, không những hoàn vốn cho ngân hàng mà ông còn đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ sản xuất như phân bón, cây, con giống, xây dựng nhà cửa khang trang.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng, cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ và NHCSXH về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đến cuối quý II/2015.

Cụ thể, nguồn vốn đã tăng thêm 120 tỷ đồng so với đầu năm 2015 và đạt tổng nguồn vốn 1.562 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã trích nguồn ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH tỉnh Kon Tum 1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương lên 9,4 tỷ đồng.

Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.561 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 120 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 8,3% và đạt 78,8% kế hoạch. Hiện có 61.404 hộ vay còn dư nợ tại 1.614 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trên tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kế hoạch 86-KH/TU để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiểu cùng hưởng ứng, tham gia thực hiện.

Thực hiện Kế hoạch 86-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Văn bản 717/UBND-KTTH chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBMTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, huyện ủy, UBND các huyện, thành phố… cũng đã ban hành văn bản triển khai thực hiện, phối hợp NHCSXH nhằm thực hiện có chất lượng Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, từ đó thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của NHCSXH, chi nhánh đã thực hiện phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, định hướng về Chỉ thị số 40-CT/TW, các văn bản chỉ đạo có liên quan của các cấp, các ngành và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trong đơn vị, các đơn vị nhận ủy thác những văn bản hướng dẫn mới, nhằm chủ động tư vấn, hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức hội, đoàn thể hiểu và truyền đạt đến hội viên hưởng ứng, cách thức tiếp cận nguồn vốn.

Mặt khác, thực hiện cho vay, xử lý nợ quá hạn, thu hồi nợ đến hạn và nhân rộng các điển hình, mô hình sản xuất, kinh doanh tích cực; giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm của hệ thống NHCSXH thông qua đa dạng hóa ứng dụng công nghệ hiện đại để đối tượng liên quan có cơ hội tìm hiểu thông tin cần thiết, cũng như quy trình, thủ tục vay vốn, phương cách trả nợ, trả lãi…

Phải khẳng định rằng, Chỉ thị 40-CT/TW đã chỉ đạo kịp thời, giúp địa phương có định hướng chỉ đạo trọng tâm, giúp cho kinh tế nông thôn, hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn về nguồn vốn chính sách tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo bước chuyển về tăng trưởng chung, thu nhập và nâng cao đời sống của người dân.

Bài và ảnh Nguyễn Ngọc Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác