Khởi sắc ở vùng đất khó Đăk Pơ

14/08/2015
(VBSP News) Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ “3 cùng”; cùng bám buôn, làng, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể cơ sở và cùng hướng dẫn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS vay vốn, sử dụng vốn chính sách, NHCSXH tỉnh Gia Lai đã đưa đồng vốn đến đúng đối tượng được thụ hưởng, theo phương châm “vận động hộ đến để vay, không chờ hộ đến để xin vay”. Nhờ đó, đồng vốn chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào DTTS ngày càng nhiều, đồng thời được bà con sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Vốn vay ưu đãi đã giúp cho các hộ gia đình ở xã Hà Tâm phát triển chăn nuôi bò, có thu nhập ổn định

Vốn vay ưu đãi đã giúp cho các hộ gia đình ở xã Hà Tâm phát triển chăn nuôi bò, có thu nhập ổn định

Đơn cử như ở xã Hà Tâm, huyện Đăk Pơ có 6 thôn, làng với 892 hộ dân Ba Na, Gia Rai, Kinh… cùng sinh sống, năm 2004 chỉ có 7 hộ vay vốn ưu đãi với số tiền 21 triệu đồng thì đến cuối năm 2014 đã có 689 hộ được vay từ 7 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ gần 20 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Hà Tâm Hoàng Phi Ấn, cho biết: Đồng vốn chính sách đã được phát huy hiệu quả rất rõ nét ở khắp buôn, làng xa xôi hẻo lánh thuộc vùng Tây Nguyên này. Hầu hết số tiền vay đều được bà con sử dụng vào sản xuất, trồng trọt, mía, bắp lai và chăn nuôi bò, lợn, không có tình trạng “cất giữ” để đến thời hạn lại mang ra ngân hàng trả nợ lại như trước kia nữa.

Tại thôn 4, toàn là người dân tộc Ba Na sinh sống, hiện nay có 39/102 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo, chưa có trường hợp nào tái nghèo. Gia đình ông Đinh Vóc ở thôn 4 xã Hà Tâm được cán bộ ngân hàng, Hội Nông dân vận động nên đã mạnh dạn vay vốn chính sách với số tiền 30 triệu đồng vào năm 2012. Số tiền vay được ông Đinh Vóc mua 1 cặp bò sinh sản, cải tạo khu đất hoang sau nhà trồng 5 sào mỳ, 4 sào bắp lai. Hiện cơ ngơi của nhà ông đang có 2 con bò, 3 con bê; còn cây mỳ, bắp vụ nào cũng đạt năng suất cao, thu hoạch bán được giá. Đầu năm 2015, gia đình ông đã thoát nghèo, nhưng chưa bền chắc, ông cũng được địa phương đưa vào diện hộ mới thoát nghèo cần được tiếp tục vay vốn chính sách theo quy định mới của Nhà nước trong dịp tới để phát triển sản xuất.

Tương tự, hộ chị Đinh Thị Vân cùng ở thôn 4, lần đầu tiên được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng đầu năm 2005. Từ nguồn vốn vay, chị đã làm chuồng trại chắc chắn, mua lợn nái về nuôi. Chị Vân nói: Nhờ sự tiếp sức kịp thời của đồng vốn chính sách, kinh tế gia đình ổn định, đỡ nghèo khó rồi, bản thân chị cũng biết cách nuôi chăn nuôi theo đúng kỹ thuật hướng dẫn và có cách chăm bón, thâm canh bắp lai, cây bời lời để cho năng suất cao. Chị mong muốn được tiếp tục vay vốn để mở rộng chuồng trại ruộng vườn để mua thêm lợn giống, cây giống về chăn nuôi, trồng trọt, tạo cơ hội phấn đấu thoát hẳn cảnh nghèo khó.

Trên vùng quê xa xôi Hà Tâm giờ đây, các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đang được dần cải thiện. Bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc nhờ sự chăm chỉ làm ăn của bà con nơi đây, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn tín dụng chính sách. Đánh giá về ý nghĩa của nguồn vốn chính sách đối với việc góp phần tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và tương lai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hà Tâm Mai Thị Trung Bình, cho biết: Hội luôn phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện và khuyến khích hội viên sử dụng vốn vay trồng trọt, chăn nuôi hợp lý. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 189 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay 4,3 tỷ đồng vốn chính sách. Đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng kỳ hạn, thu nhập tăng; hội và các đoàn thể khác trên địa bàn quyết tâm nâng cao nhận thức của người dân, nắm bắt và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, biết sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách. Năm 2015, toàn xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,5% xuống 11,4%, tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bài và ảnh Diệu Lê

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác