Nhịp cầu dẫn vốn

07/10/2015
(VBSP News) Thực tế tại cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Đó chính là “cánh tay nối dài” của ngân hàng, là nhịp cầu dẫn vốn giúp đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả ở các địa phương. Một vai trò quan trọng hơn đây là sợi dây gắn kết các hội viên, nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm và góp phần xây dựng tình đoàn kết thôn, bản.
Nhiều hộ dân ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất vay vốn ưu đãi đầu tư vào ươm cây giống

Nhiều hộ dân ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất vay vốn ưu đãi đầu tư vào ươm cây giống

Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, trực tiếp thu lãi, động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả.

Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, TP. Hòa Bình được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 do Hội Phụ nữ quản lý. Tổ có 58 hội viên với tổng dư nợ trên 1,6 tỷ đồng, thực hiện 5 chương trình tín dụng. Trong những năm qua, tổ không phát sinh nợ quá hạn, không có lãi tồn đọng, các tổ viên chấp hành tốt việc trả nợ, trả lãi khi đến hạn. Các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích vốn vay. Ngoài ra, các hộ còn tham gia tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay tổ có số dư tiền gửi tiết kiệm trên 13 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bình - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Chụa có gần 10 năm gắn bó với công việc cũng là những năm tháng bà được gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn. Bà Bình chia sẻ: “Theo lịch giao dịch cố định hàng tháng, tôi đến Điểm giao dịch nộp tiền lãi của các tổ viên cho ngân hàng, tham gia họp giao ban với ngân hàng và lãnh đạo xã để nắm tình hình sử dụng vốn, giải pháp cho những vướng mắc, khó khăn và nắm những quy định mới về các chương trình vốn vay… sau đó về phổ biến lại cho các tổ viên, đôn đốc các tổ viên thực hiện. Trước đây các hộ dân phát triển kinh tế tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao.

Tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội viên được phổ biến nhiều kiến thức xã hội, tạo điều kiện thuận lợi vay vốn ưu đãi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau để ứng dụng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hơn thế, qua sinh hoạt tổ, các hộ dân đã có tính kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao hơn trong mọi việc, từ sử dụng vốn, trả nợ vay đến tham gia tích cực các buổi sinh hoạt, họp thôn, đóng góp quỹ, ngày công lao động công ích… Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối chính sách khác phát triển sản xuất, NHCSXH còn vận động các Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động các thành viên tham gia gửi tiết kiệm, từng bước hình thành thói quen tiết kiệm cho người nghèo, giảm bớt khó khăn khi trả nợ.

Có một điều đáng ghi nhận trong hoạt động dẫn vốn của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn TP. Hòa Bình là đã kết hợp các buổi sinh hoạt với việc tuyên truyền sử dụng đồng vốn đúng mục đích bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao trình độ của những người quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở xác nhận đúng đối tượng cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, thực hiện tốt 6 công đoạn ủy thác với NHCSXH…

Thực tiễn cho thấy, địa phương nào tổ chức tốt hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội với “chân rết” là các Tổ tiết kiệm và vay vốn thì hiệu quả sử dụng đồng vốn tương đối cao. Điều này cũng giải thích vì sao nguồn vốn chính sách tuy nhỏ nhưng lại đi vào cuộc sống người dân nhanh và bền chặt như vậy. Bởi hơn ai hết, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương hiểu hội viên của mình cần gì nhất.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hòa Bình, cho biết, hiện nay các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đang quản lý hoạt động của 2.895 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng. Để không ngừng phát huy vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa vốn đến gần dân hơn, thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục tuyên truyền các chính sách, văn bản mới, công khai mọi thủ tục, chế độ liên quan đến đối tượng vay vốn là các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng tín dụng tiếp tục góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Bài và ảnh Mai Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác