Thanh niên Chư Jút lập nghiệp từ đồng vốn nhỏ

09/10/2015
(VBSP News) Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều thanh niên huyện Chư Jút (Đắk Nông) không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Được ngân hàng “tiếp sức”, thanh niên Chư Jút chịu khó làm ăn

Được ngân hàng “tiếp sức”, thanh niên Chư Jút chịu khó làm ăn

Đơn cử như mô hình nuôi cá giống của anh Nguyễn Văn Bắc ở thôn 11, xã Nam Dong không chỉ có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương. Theo anh Bắc, thấy trên địa bàn huyện có nhiều ao hồ, sông suối tự nhiên nên anh đã lựa chọn nghề sản xuất cá giống, trước là để lập nghiệp, sau là cung ứng cho nông dân nuôi. Những ngày đầu gây dựng, do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên quy mô cơ sở còn nhỏ, nguồn cá giống sản xuất không nhiều.

Trong lúc khó khăn, gia đình được NHCSXH huyện “tiếp sức”, cho vay 50 triệu đồng thông qua chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và giải quyết việc làm. Số vốn này thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với anh trong thời kỳ đầu bước vào lập nghiệp.

Anh Bắc cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng có chu kỳ vay theo mô hình sản xuất, lại có mức lãi suất thấp nên gia đình tôi không bị áp lực trả nợ. Vì vậy, với số vốn trên, gia đình đã mở rộng quy mô sản xuất nên khách hàng ngày càng nhiều. Tính trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 30 - 40 tấn cá giống, nên kinh tế ngày càng khấm khá, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt, con cái có điều kiện ăn học đàng hoàng”.

Năm 2011, anh Nguyễn Lương Thiện ở xã Nam Dong đã thành lập Cơ sở khuyết tật Hoàng Anh với mục đích trở thành nơi sinh hoạt, giải quyết việc làm cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện. Cơ sở Hoàng Anh lựa chọn sản xuất các mặt hàng như: tăm tre, vòng hoa, giỏ hoa để phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của các em khuyết tật…

Khi làm việc tại đây, ngoài việc được cơ sở lo cho chỗ ăn, chỗ ở thì tùy theo số lượng sản phẩm làm ra, mỗi em còn có mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập này, các em khuyết tật có thể tự lo cho bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và tự tin hơn trong cuộc sống.

Người khuyết tật ở cơ sở Hoàng Anh có việc làm ổn định, thu nhập khá

Người khuyết tật ở cơ sở Hoàng Anh có việc làm ổn định, thu nhập khá

Anh Thiện cho biết: “Cơ sở Hoàng Anh có được thành quả như ngày hôm nay là do NHCSXH huyện tạo điều kiện. Đây thực sự là nguồn động lực để cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, có thể giúp đỡ thêm nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh kém may mắn khác vào làm việc. Hiện nay, cơ sở thu hút, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 em khuyết tật”.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều người khuyết tật khi đến đây không chỉ được giải quyết việc làm, mà còn được truyền thêm cả nghị lực sống. Vì vậy, trong những năm qua, người khuyết tật ở cơ sở Hoàng Anh còn đại diện cho tỉnh tham gia Hội thao người khuyết tật toàn quốc và giành được nhiều thành tích cao.

Theo ông Mai Văn Nam - Giám đốc NHCSXH huyện Chư Jút, dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên của xã đạt trên 56,5 tỷ đồng, với 2.196 hộ vay. Nhìn chung, nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên.

Mặt khác, trong quá trình giải ngân, ngân hàng còn phối hợp với tổ chức Đoàn nhận ủy thác triển khai nguồn vốn vay đến đúng đối tượng; đồng thời kiểm tra, giám sát, giúp người vay sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian qua, thông qua nguồn vốn ưu đãi, hàng nghìn thanh niên trên địa bàn huyện có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Bài và ảnh Phan Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác